Friday, September 24, 2010

Thành Kính Phân Ưu,

Nhận được tin Ông Châu Lương Thêm Bào Huynh của Niên Trưởng Kingbee Châu Lương Cang vừa tạ thế tại Việt Nam

Hưởng Thọ 81 tuổi

Xin gưĩ lời chia buồn đến anh chị và gia đình.

Phạm Hòa và Gia Đình,


THÀNH KÍNH PHÂN ƯU



Gia Đình Nha Kỹ Thuật đến Anh Chi Cang .
Nhờ anh Phạm Minh Mẫn chuyễn lời Chia Buồn của Thân Hữu

Wednesday, September 15, 2010

Biệt kích Thượng sĩ Trần Phúc Lộc,

Phi vụ "Cò Trắng" và những nấm mồ còn lại

LTS: Vào năm 1961, Không Quân Việt Nam có hai chiếc C-47 sử dụng riêng cho những phi vụ đặc biệt thả các toán biệt kích thâm nhập lãnh thổ Bắc Việt, trong đó Trung Úy Phan Thanh Vân là một trong những trưởng phi cơ. Phi vụ "Cò trắng" nói tới ở đây đã được Phan Thanh Vân viết lại trong hồi ký "Người về từ cõi chết". (Bài viết của “Cò Trắng” Phan Thanh Vân, kể lại mọi chi tiết từ khi máy bay bị cháy và rớt xuống đất, chúng tôi sẽ đăng lại sau bài viết này).
Sở dĩ các phi vụ này được đặt tên "Cò Trắng" vì hai chiếc C-47 đã được tẩy xóa màu cờ, các huy hiệu, chỉ để lại toàn thân máy bay một màu nhôm trắng.
Gần đây Lý Tưởng Úc Châu nhận được một số tài liệu cũng như nhiều hình ảnh liên quan đến phi vụ nói trên, Ban Biên Tập xin đúc kết các tài liệu này với mục đích phổ biến thêm chi tiết về số phận của phi hành đoàn, và cũng để tưởng nhớ, tri ân những chiến sĩ Không Quân đã thầm chiến đấu trong bóng tối, đã hy sinh thân mình để thi hành những phi vụ tối mật, ra đi không hẹn ngày về. LT-UC

***
Phi vụ Cò Trắng thực hiện giữa năm 1961 gồm phi hành đoàn 7 người của Không Quân và 3 biệt kích quân. Thành phần phi hành đoàn:

Trưởng phi cơ: Trung úy Phan Thanh Vân
Hoa tiêu phó: Trung úy Phan Khắc Thích, Thiếu úy Trần Minh Tâm
Điều hành viên: Thiếu úy Tiêu Huỳnh Yến, Chuẩn úy Phạm Trọng Mậu
Cơ Khí Viên: Thượng sĩ I Phạm Văn Đăng
Vô Tuyến Viên: Trung sĩ Nguyễn Văn Nở
Các biệt kích quân gồm: Thượng sĩ Trần Phúc Lộc, Thượng sĩ Đinh Như Khoa, và Trung sĩ Nguyễn Văn Tiết.

* * *
Vào đúng Ngày Không Quân VNCH (1 tháng 7) năm 1961, chiếc “Cò Trắng” cất cánh với nhiệm vụ tiếp tế cho một toán biệt kích đã được thả trước đây, và phi cơ đã bị rớt vào lúc 1 giờ 15 phút sáng ngày 2 tháng 7 tại xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Theo lời kể lại của ông Phạm Lâm, trùm họ đạo Kim Sơn, khi ông đi giăng câu trên cánh đồng ngập mặn ven biển, cách khu vực dân cư khoảng 5 cây số, thì vào lúc hơn nửa khuya, ông nghe tiếng động cơ máy bay, nhìn lên trời thì thấy một chiếc máy bay đang bốc cháy và lao xuống, sau đó tiếp tục cháy trên mặt đất. Đến gần sáng, tự vệ nông trường Bình Minh mới ra đến chỗ máy bay rớt, bắt giữ sáu người còn sống, tất cả đều bị thương; một người khác còn tương đối khoẻ, sử dụng thuyền cao su bơi trốn nhưng cũng đã bị du kích xã kế bên bắt giữ.

Ba người thiệt mạng tại chỗ là: Trung úy Phan Khắc Thích, Chuẩn úy Phạm Trọng Mậu và Trung sĩ Nguyễn Văn Nở. Trong số này, hai người chết cháy vì bị kẹt trong phi cơ nên hài cốt không còn đầy đủ, và một người xác còn nguyên vẹn. Tất cả được chôn gần chỗ máy bay rơi (không có hòm).

* * *
Trong số bảy người còn sống và bị bắt, Thiếu úy Tiêu Huỳnh Yến vì bị thương nặng nên một ngày sau đã chết tại trạm xá của nông trường Bình Minh và đã được ông Phạm Lâm đích thân khiêng đi chôn (cũng không có hòm).

Sáu người còn sống được Công An đưa về Hà Nội bằng xe tải và bị giam tại Hỏa Lò. Các nhân chứng có nhiệm vụ áp giải sáu người này kể lại rằng khi về đến Hà Nội thì tất cả vẫn còn sống, nhưng đến khi Cộng Sản Bắc Việt đưa ra tòa xét xử thì chỉ còn có 3 người là các anh Phan Thanh Vân, Đinh Như Khoa và Phạm Văn Đăng, còn anh Trần Minh Tâm thì đã chết vào ngày 4/7/1961, anh Nguyễn Văn Tiết chết ngày 2/8 và anh Trần Phúc Lộc đã chết ngày 28/11 -tất cả đều chết tại bệnh viện 108 Hà Nội. Và cả ba đã được Hà Nội chôn cất có mộ bia tử tế!

Sở dĩ ba người này được chôn cất tử tế là vì đây là lần đầu tiên một phi cơ thả biệt kích của miền Nam ra Bắc hoạt động đã bị rớt nên Hà Nội muốn làm lớn chuyện để công bố cho quốc tế biết. Và cũng chính vì thế, CSBV đã “chu đáo” cho Công An đưa hòm về Kim Sơn, đào xác Thiếu úy Tiêu Huỳnh Yến lên bỏ vào hòm để chôn lại!

Cũng nên biết trước phi vụ “Cò Trắng” này đã có nhiều toán biệt kích bị CSBV bắt giữ như các toán Caster, Echo, Dido..., nhưng vì không có xác phi cơ nên họ chưa muốn làm lớn chuyện, vì thế danh tính của các biệt kích quân đã được họ giữ kín; tất cả đều bị giam giữ hơn 10 năm, có người mãi tới năm 1976 mới được thả.

* * *
Lần này, với bằng chứng quả tang, Hà Nội đã ra sức thổi phồng vụ án, thông báo cho các giới chức ngoại giao, đưa ba người còn sống ra xét xử công khai tại Hà Nội và triển lãm các tang vật tại Ninh Bình.

Vì xét xử công khai, các anh đã có án tù rõ ràng: Trung úy Phan Thanh Vân 7 năm tù, Thượng sĩ Phạm Văn Đăng 3 năm, Thượng sĩ Đinh Như Khoa 15 năm. Các anh đã bị giam tại trại Bắc Bạc (Ba Vì, Sơn Tây) và sau đó chuyển đến trại Phố Lu (Lào Cai). Tới năm 1971, sau 10 năm tù giam và quản thúc, Trung úy Phan Thanh Vân đã được Hội Hồng Thập Tự Quốc tế can thiệp trả tự do và sang Pháp đoàn tụ với gia đình.

* * *
Cho tới nay, có nhiều giả thuyết về nguyên nhân đã khiến chiếc “Cò Trắng” bị rớt. Phối hợp hồi ký của Trung úy Phan Thanh Vân (...máy bay tự nhiên rung giật mạnh, không hề nghe một tiếng nổ hay bất cứ một âm thanh gì...) cũng như lời của các nhân chứng - cả dân chúng lẫn Công An địa phương – thì máy bay đã tự bốc cháy và rớt. Tuy nhiên, CSBV vì muốn thổi phồng sự việc nên đã tuyên truyền là phi cơ bị súng phòng không bắn hạ; và hiện nay họ vẫn trưng bày các hiện vật còn sót lại của chiếc C-47 nói trên tại Bảo Tàng Lịch Sử Quân Đội Nhân Dân tại Hà Nội, để chứng minh cho chiến công “tưởng tượng” của mình!

Điều đáng tiếc là một vài tác giả Mỹ cũng căn cứ vào tuyên truyền của CSBV để viết rằng chiếc Cò Trắng nói trên bị phòng không bắn hạ.

Về nguyên nhân đã khiến phi cơ tự bốc cháy, có giả thuyết cho rằng do nội tuyến phá hoại. Khoảng cuối thập niên 1980, một tay nội tuyến VC đã kể lại trên một tờ báo ở Sài Gòn rằng vào năm 1961, anh ta là lính bảo trì phi cơ của Không Quân miền Nam và đã gài “pan” vào một phi cơ chở biệt kích ra Bắc và phi cơ này đã bị rớt. (‘Pan’ này được gài trong bộ phận nhiên liệu của động cơ, khi tới không phận Bắc Việt, nhiên liệu bị rò rỉ tiếp xúc với sức nóng của động cơ đã khiến phi cơ bốc cháy).

Nhưng dù sao, trước sự kiện có vô số “chiến công tưởng tượng” được thêu dệt sau khi CSBV chiếm được miền Nam, người ta cũng phải đặt dấu hỏi về “thành tích” của tay thợ máy nội tuyến này.

* * *
Về số phận của các ngôi mộ của phi hành đoàn, trước hết nói về ba người bị thiệt mạng tại chỗ là: Trung úy Phan Khắc Thích, Chuẩn úy Phạm Trọng Mậu và Trung sĩ Nguyễn Văn Nở. Ngày ấy, tất cả được chôn vội vã gần chỗ máy bay rơi, không xác nào có hòm.

Tới năm 1980, một người dân khi đào ao đã đào được một hài cốt còn nguyên vẹn, mặc áo màu đen, trên vai áo có phù hiệu. Cha xứ của nhà thờ đá Kim Sơn cho bốc hài cốt lên đem về nhà thờ dự tính đưa vào miền Nam cải táng, nhưng đã bị công an xã giữ lại và cho chôn tại nghĩa địa xã. Người giáo dân trực tiếp bốc mộ đã bị Công An giam giữ hơn 3 tháng. Riêng cha xứ sau này vào miền Nam, sống ở nhà thờ Phát Diệm ở Gò Vấp, Sài Gòn.

Phối hợp lời kể của các nhân chứng năm 1961 và sự mô tả của chủ nhà - tức người đào ao sau này – người ta tin rằng hài cốt nói trên là của Trung sĩ Nguyễn Văn Nở, vì Trung úy Phan Khắc Thích, Chuẩn úy Phạm Trọng Mậu bị kẹt trong phi cơ, chết cháy nên hài cốt không còn nguyên vẹn.

Như vậy, có thể tạm thời đi tới kết luận hiện nay cố Trung sĩ Nguyễn Văn Nở đang yên nghỉ tại Kim Sơn, Ninh Bình, còn hài cốt của Trung úy Phan Khắc Thích, Chuẩn úy Phạm Trọng Mậu thì vẫn còn nằm đâu đó dưới mặt đất, gần cái ao nói trên.

Người chủ nhà cũng kể lại rằng cho tới nay, thỉnh thoảng oan hồn của hai người vẫn còn hiện về ngồi ở gần bờ ao của nhà họ.

Mộ của Thiếu úy Tiêu Huỳnh Yến – người đã chết tại trạm xá của nông trường Bình Minh, được ông trùm Phạm Lâm chôn và sau đó được CSBV đào lên bỏ vào hòm chôn lại - thì hiện nay vẫn được ông chăm sóc.

Về ba người “may mắn” được CSBV chôn cất tử tế, thì hài cốt của Thiếu úy Trần Minh Tâm đã được gia đình cải táng đem về miền Nam,
chỉ còn lại mộ của hai biệt kích quân - Thượng sĩ Trần Phúc Lộc, và Trung sĩ Nguyễn Văn Tiết (với tên tuổi rõ ràng trên mộ bia).

* * *
Trong số thân nhân của phi hành đoàn “Cò Trắng”, một số nhỏ may mắn được biết về việc Bộ quốc Phòng Mỹ “bồi thường”, đã làm thủ tục và được hưởng quyền lợi. Tuy nhiên đa số đã thất tung, và cho tới nay các cá nhân cũng như Hội đoàn Không Quân không có một manh mối nào để có thể liên lạc giúp đỡ, hướng dẫn cách làm thủ tục.
Chẳng hạn trường hợp của em Phan Khắc Đức (năm nay đã 48 tuổi), con trai của cố Trung úy Phan Khắc Thích. Niên khóa 1973-1974, Đức học lớp 9 tại Trường Quốc Gia Nghĩa Tử, mẹ - tức phu nhân của Trung úy Thích - là y tá phục vụ trong phi trường TSN. Sau biến cố tháng 4/1975, gia đình phải dọn ra cư ngụ tại một hẻm nhỏ tại Ngã Ba Ông Tạ, Đức phải nghỉ học đạp xích lô để sinh nhai... Từ đó tới nay, không còn một mối liên lạc nào có thể tìm lại được gia đình hay thân nhân của cố Trung úy Phan Khắc Thích để được Bộ Quốc Phòng Mỹ bồi thường!

* * *
Thay lời kết, chúng tôi hy vọng, dù rất mong manh, sẽ có chiến hữu hay vị độc giả nào đó biết được, hoặc rồi đây may mắn tìm ra tung tích của gia đình hoặc thân nhân của phi hành đoàn “Cò Trắng” và các chiến sĩ Biệt kích tham gia phi vụ, để thông báo về tình trạng những ngôi mộ của người thân, cũng như những quyền lợi mà họ xứng đáng được hưởng do công lao xương máu của những người đã nằm xuống cách đây 45 năm.
Trong trường hợp sự việc tốt đẹp ấy xảy ra, Tòa Soạn Lý Tưởng - Úc Châu sẽ cung cấp chi tiết để tìm mộ – những chi tiết mà chúng tôi không tiện phổ biến trên trang báo này.

Melbourne, tháng 12/2006
Ban Biên Tập LT-UC
(tổng hợp theo các tài liệu)

* * *
Các chi tiết và tài liệu viết thêm:

* Theo hồi ức của Trung Tá KQ N.U., trước phi vụ của Cò Trắng của Trung úy Phan Thanh Vân đã có một chiếc C-47 cũng thi hành nhiệm vụ thả biệt kích quân và đã mất tích trên không phận Bắc Việt. Phi hành đoàn gồm có:

Hoa tiêu: Trần Văn Hội và Lê Chí Nguyện
Điều hành viên: Nguyễn Đăng Lợi
Vô tuyến phi hành: Đức (không nhớ họ)
Cơ phi: (không nhớ tên)

Ngoài ra còn có một chiếc C-123 trong khi bay đêm thực tập thả biệt kích tại núi Sơn Chà gần Đà Nẵng đã bị tai nạn và toàn bộ phi hành đoàn đã hy sinh, gồm:

Hoa tiêu: Lê Tuấn Kiệt và Hồ Văn Ứng Kiệt
Điều hành viên: Lê Lãnh Hưng - Vương Văn Chức - Nguyễn Tấn Tập
Cơ phi: Đạt (không nhớ họ)
Ngoài ra còn một huấn luyện viên Hoa Kỳ.

Sau tai nạn này, Hoa Kỳ đã thuê mướn thêm các phi hành đoàn Trung Hoa (Đài Loan) để thi hành các phi vụ thâm nhập lãnh thổ Bắc Việt.

* Theo cuốn "Spies and Commandos" của hai tác giả Kenneth Comboy và Dale Andradé (do sưu tầm viên Phạm Anh Tài cung cấp), ngày ấy chỉ có độc nhất một chiếc C-47 Cò Trắng và được lấy một ngụy danh là "Vietnamese Air Transport" gọi tắt là VIAT, lúc đó do Thiếu tá Nguyễn Cao Kỳ chỉ huy, và đã có 20 phi công tình nguyện thi hành những phi vụ này dưới mật danh “Haylift”.

Mặc dù là các phi công dày dạn kinh nghiệm trong các phi vụ chuyển vận, nhưng khi bay ra phía Bắc họ cần phải được hướng dẫn thêm. Bởi khi bay ra Bắc, phi hành đoàn sẽ phải bay những phi vụ kéo dài tưởng như vô tận, bay ở một cao độ thấp đến địa điểm thả biết kích mà không hề được trang bị các phi cụ hiện đại. Đó là chưa kể yếu tố thời tiết xấu vào mùa mưa lớn, địa hình núi non hiểm trở đã tạo thành một phi trình nguy hiểm và tồi tệ nhất trên thế giới. Vẫn theo hai tác giả này, phi vụ Cò Trắng nói trên có nhiệm vụ thả xuống tiếp tế cho toán Castor (đã được thả xuống Bắc Việt khoảng một tháng trước). Trung úy Phan Thanh Vân cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất vào buổi xế chiều, sau khi tiếp tế thêm nhiên liệu tại phi trường Đà Nẵng, phi cơ trực chỉ ra Bắc, không hành thì chỉ nhìn qua cửa sổ bay theo địa hình địa vật dưới đất xuyên qua các rặng núi thấy được qua ánh trăng để tìm ra bãi thả hàng mà toán Castor đánh dấu - phi trình này trước đây đã được sử dụng khi thả dù các toán Castor và Dido.

Thật sự thì toán này đã rơi vào tay giặc, và người trưởng toán đã bị CSBV ép buộc gởi tín hiệu về BUGS, một trạm tiếp vận truyền tin ở Phi Luật Tân để báo tin toán vẫn an toàn và cần phải được tiếp tế ở một địa điểm do họ chỉ định. Bốn ngày sau khi liên lạc, chiếc Cò Trắng đã lên đường thi hành nhiệm vụ và đã rơi vào bẫy của địch. CSBV đã bố trí sẵn súng phòng không tại đảo Hòn Me, một đảo nhỏ nằm cách đất liền 6 cây số ngoài bờ biển Ninh Bình. Kết quả, phi cơ đã bị bắn nát phần đuôi, bốc cháy và rơi trong đất liền khoảng 20 cây số.

* * *
Ở đây chúng tôi không bàn cãi về việc vào năm 1961, có 1 hay 2 chiếc C-47 được sử dụng cho các phi vụ “Cò Trắng” (bởi có thể hai tác giả Kenneth Comboy và Dale Andradé đã chỉ căn cứ vào sự kiện: lúc nào cũng chỉ có một chiếc “Cò Trắng” SẴN SÀNG ĐỂ SỬ DỤNG); cũng không bình luận về sự việc toán biệt kích bị CSBV cưỡng bách hợp tác, mà chỉ nói về chi tiết mâu thuẫn liên quan tới việc phi cơ bị rớt.

Tất cả các nhân chứng (dân làng, công an về hưu) đều kể lại rằng họ không hề nghe thấy tiếng nổ, mà chỉ thấy phi cơ tự bốc cháy, và bay từ đất liền hướng ra biển.
Nếu quả thực phi cơ “bị bắn nát phần đuôi, bốc cháy và rơi xuống đất liền...” như cuốn Spies and Commandos đã viết thì chắc chắn tất cả mọi người trên phi cơ đã phải chết tan xác chứ không thể chỉ có 3 người chết tại chỗ mà thôi!

Bên cạnh đó, nếu phi cơ rớt ở đất liền “cách bờ biển khoảng 20 cây số” như sách đã viết, thì làm sao có việc “một người khác còn tương đối khoẻ, sử dụng thuyền cao su bơi trốn nhưng cũng đã bị du kích xã kế bên bắt giữ” theo như lời kể của ông trùm họ đạo Kim Sơn?!

Thành thử, chúng tôi cũng nhân tiện xin phép được lưu ý quý độc giả một điều: không phải bất cứ cuốn sách nào của “thế giới tự do” viết về chiến tranh Việt Nam cũng chính xác, cũng đáng tin. Nhất là những cuốn viết trong những năm sau này, thường tham khảo tài liệu, sử dụng dữ kiện của phía CSVN.

Mà “tài liệu, dữ kiện” của CSVN chính xác tới mức nào, chúng ta chỉ cần nhớ lại trong thời gian cao điểm của các cuộc oanh tạc Bắc Việt, tổng số “máy bay của đế quốc Mỹ bị bắn hạ” trong một ngày, được loan truyền trên đài phát thanh nhà nước và các báo của đảng, thường NHIỀU HƠN tổng số phi cơ Hoa Kỳ tham dự các trận oanh kích trong ngày hôm đó!

Sự kiện lố bịch này, sau khi được tạm thời “cởi trói” vào năm 1986, chính một số nhà văn miền Bắc đã đem ra để diễu cợt.


(Ghí chú: Kèm theo bài viết này là các hình ảnh:
1- Thiếu Uý Trần Minh Tâm chụp trước chiếc T-6;
2- Tám khoá sinh KQ chụp trên tàu thủy;
3- Bản sao tờ "Công điện báo cáo mất tích";
4- Bản sao danh sách các KQ và biệt kích bị bắt đăng trên sách của VC;
5- Mộ của Th/sĩ Trần Phúc Lộc







Phi công Phan Thanh Vân


Hoàng Hải Thủy Người bạn hỏi tôi:
- Anh có tin Số Mệnh và Tử Vi không?
Tôi nói:
- Phải chia câu hỏi của anh thành hai câu hỏi: Có tin Số Mệnh không? Có tin Tử Vi không? Tôi tin con người có Số Mệnh nhưng con người không thể biết trước được đời mình sẽ ra sao. Tôi không tin khoa Tử Vi có thể biết trước những việc chưa xẩy đến, sẽ xẩy đến trong đời một người.

Chuyện tại sao tôi không tin Tử Vi là một đề tài khác. Hôm nay tôi mời quí vị đọc chuyện đời của Người Phi Công Không Lực Việt Nam Cộng Hoà Phan Thanh Vân để quí vị thấy như tôi thấy: con người Sống Chết có Số, Người chưa đến Số Chết thì dù có bị rơi vào cảnh Chết 1000/100 vẫn cứ Sống.
Phi công Phan Thanh Vân sống những ngày cuối đời ở Virginia Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Đất Trích – Virginia is for Lovers – tôi gặp anh PT Vân ở Virginia. Đây là lời những người bạn phi công của anh viết về anh trong Tập San Lý Tưởng:
Ngày 1 tháng 7 năm 1961, Phi công Phan Thanh Vân lãnh một nhiệm vụ đặc biệt: anh thay Phi công Nguyễn Cao Kỳ, lái phi cơ ra miền Bắc để thả dù tiếp tế cho một đội Biệt Kích VNCH. Trong chuyến bay định mệnh này, phi cơ của anh bị hỏa tiễn của CSBV bắn rơi lúc 01 giờ 15 phút rạng ngày 2-7- 1961, khi phi cơ đang bay sát từ mặt biển vào đất liền. Máy bay rơi xuống một nơi thuộc xã Tô Hiệu, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Phi hành đoàn do anh PT Vân chỉ huy và lái, gồm 2 phi công phụ: Trung úy Phan Khắc Thích, Thiếu úy Trần Minh Tâm, 2 điều hành viên: Thiếu úy Tiêu Huỳnh Yên, Chuẩn úy Phạm Trọng Mậu, 1 vô tuyến điện viên: Trung sĩ Nguyễn Văn Nở, 1 cơ khí viên: Thượng sĩ Phạm Văn Đăng, và 3 Biệt Kích Dù: Thượng sĩ Lộc, Trung sĩ Tiết và Thượng sĩ Khoa, thuộc Phòng 46, Sở Bắc, sau đổi thành Nha Kỹ Thuật.
Cả thảy 10 người trên phi cơ lúc bị bắn rơi xuống bãi sình lầy, rồi bốc cháy, người chết cháy vì kẹt lại trong phi cơ, người bị thương nặng rồi chết sau đó, chỉ còn lại 3 người sống sót. Cả 3 đều bị thương rất nặng. Sau một thời gian bị giam giữ hỏi cung tại Nhà Tù Hỏa Lò, Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 1961, ba Chiến Sĩ VNCH VNCH bị đưa ra Tòa Án Quân Sự CSBV. Bản án như sau:
- Đinh Như Khoa, Biệt Kích Dù, 15 năm tù
- Phan Thanh Vân, Trưởng Phi cơ, 7 năm tù
- Phạm Văn Đăng, Cơ Khí viên, 3 năm tù
PT Vân bị tù khổ sai ở Trại Bất Bạt, Ba Vì, Sơn Tây, rồi bị đưa lên giam giữ tại Trại E ở Phố Lu, Lào Cai.
Năm 1971, PT Vân được CSBV phóng thích sau 10 năm tù giam và quản thúc. Nhờ sự bảo lãnh của bà chị ruột, qua Hồng Thập Tự Pháp, anh được sang Pháp để đoàn tụ với gia đình bà chị.
Đây là bài viết của Phi Công Phan Thanh Vân:
Phan Thanh Vân:
Chiều nay, sau khi làm xong cái giường đôi, gã chính ủy (ủy viên chính trị) quản lý Hợp tác xã Mộc Đồng Tiến ở thị xã Ba Vì, tỉnh Sơn Tây gọi tôi lên văn phòng, y nói:
- Anh nghỉ làm đi, về lán thu xếp để ngày mai về Hà Nội.
Tôi thắc mắc:
- Dạ, báo cáo cán bộ, tôi về Hà Nội có chuyện gì và về bao lâu?
Gã lạnh như tiền:
-Anh đừng hỏi, đó là lệnh trên, tôi không biết lý do. Anh cứ đi, có lẽ anh sẽ không trở về đây đâu.
Ra khỏi văn phòng cán bộ, tôi trở về lán thu xếp hành lý mà trong lòng lo sợ: lại chuyện gì đây? Được đưa về đây sống quản thúc ở Hợp tác xã Mộc này đã gần 2 năm nay, ngày ngày, tháng tháng lòng tôi lúc nào cũng thấp thỏm lo âu với cái tội nặng là “Giặc Lái Mỹ Ngụy.”
Năm 1961, sau khi lãnh án tù 7 năm, tôi từ Hỏa Lò Hà Nội đi qua trại này, trại kia, cuối cùng là Trại Tù E Phố Lu, Lào Cai, tôi đã “ngoan ngoãn” cải tạo tư tưởng để trở thành “thành phần tiến bộ”, để sau khi hết án 7 năm tù, được hưởng thêm 2 năm “tự giác” ở lại trại giam. Và cuối cùng cho đến năm 1969, tôi đã thở phào nhẹ người khi được Đảng và Nhà nước “trả tự do,” đưa về đây quản thúc với nghề thợ mộc, “ngày động, tối điểm”: ban ngày lao động: cưa xẻ, đóng bàn, đóng giường, tối điểm danh trước khi đi ngủ.
Tối hôm nay trằn trọc mãi, không tài nào ngủ được, lo nghĩ lại chuyện gì sẽ đến với mình đây, tại sao lại bị đưa về Hà Nội, tại sao… tại sao…??? Nằm mãi không ngủ được thôi thì dậy, phì phèo vài điếu thuốc lào.
Ngoài lán các “đồng chí” đang quây quần bên bếp lửa, canh nồi bánh chưng. Nếu không có cái lệnh ngày mai đi Hà Nội thì giờ này tôi cũng ngồi bên bếp với các bạn.
Rồi đêm dài cũng qua, chưa 9 giờ sáng, một chiếc xe Molotova loại nhỏ như xe Jeep của Mỹ, đến đậu trong sân Hợp tác xã. Rồi tôi được gọi lên văn phòng.
Cán bộ chờ tôi là cán bộ Toán. Ông nhẩn nha nói:
“Hôm nay tôi đưa anh về Hà Nội, rồi đưa anh ra sân bay để anh đi Pháp đoàn tụ với gia đình. Đảng và Nhà nước đã rất khoan hồng với anh và đã chấp thuận lời xin của người chị của anh ở bên Pháp, cho anh về Pháp sum họp gia đình.”
Nghe nói tôi gần tắt thở, mừng đến nỗi tim tôi đập mạnh như muốn nhảy ra ngoài, tôi cố bình tĩnh để nghe tiếp những lời lải nhải của đĩa hát cũ đã rè, lập đi lập lại, nào là “anh phải biết ơn nhân dân, biết ơn Đảng và Nhà nước,” nào là “anh phải tiếp tục cải tạo tư tưởng để thành người tiến bộ, sống ở nước ngoài anh vẫn có thể phục vụ Tổ Quốc, và để có ngày anh trở về nước phục vụ nhân dân, phục vụ Đảng và Nhà nước.. vv…và.. vv…”
Ông Toán nói tiếp:
“Đây là giấy thông hành tạm cấp cho anh để anh dùng đi đường ra nước ngoài, đây là giấy máy bay của hãng Hàng Không Pháp Air France đi từ Hà Nội đến Paris. Giấy máy bay này do người chị của anh mua. Thôi, chúng ta lên đường, anh còn có ý kiến, còn muốn phát biểu gì không?”
Tôi lập bập:
“Dạ… Dạ.. Báo cáo cán bộ.., dạ.. dạ… thưa… không!”
Chân tôi bủn rủn, đi hết muốn vững. Đâu có ngờ! Ra đến xe thấy cán bộ quản lý chạy lại:
“Anh cầm lấy túi bánh chưng này, đây là quà Tết của Hợp tác xã tặng anh, cầm theo mà ăn đường.”
Xe lăn bánh rời Ba Vì, bon bon trên đường về Hà Nội. Ngồi trên xe mà lòng tôi lâng lâng, nửa tỉnh nửa mơ, mừng lo lẫn lộn, vì chưa hẳn dám tin đó là chuyện thật. Hai bên đường cây cối trơ trụi, bụi đường bốc lên sau xe, nhưng tôi thấy cái gì cũng vui tươi, cái gì cũng đẹp, sáng, tưng bừng như… Tết.
Mải triền miên với trăm nghìn ý nghĩ, tôi không để ý xe đã băng qua Hà Nội lúc nào và đang trên đường đến sân bay Bạch Mai
Tôi nhìn sân bay, ngoài bãi đậu có hai ba chiếc máy bay, một chiếc kiểu Illouchine 14 của Nga, loại máy bay vận tải chở hành khách loại nhỏ đang chuẩn bị cất cánh, năm ba người nhân công chạy chung quanh, người đổ xăng, người đi vòng phi cơ kiểm tra. Tôi theo cán bộ Toán vào quầy hành khách trình giấy tờ, giấy thông hành, giấy máy bay… Làm xong thủ tục, cán bộ Toán nói:
“Thôi đến giờ rồi, anh ra máy bay đi, anh đi mạnh giỏi và hãy nhớ những gì tốt anh đã tiếp thu được mà cố gắng trở thành người tốt.”
Tôi líu ríu:
“Dạ.. báo cáo cán bộ, dạ… tôi xin cám ơn!”
Tôi hối hả theo sau độ mười người nữa ra chỗ máy bay đậu. Nhìn những hành khách khác, không biết là Việt hay Tàu, người nào cũng áo bốn túi, cổ áo Mao, chắc họ là cán bộ đi công tác, còn tôi thì chả giống ai với bộ bà ba nâu, chân đi dép cao su Bình Trị Thiên, tay ôm túi bánh chưng và gói quần áo. Tôi tìm chỗ ngồi trong phi cơ. Nhìn anh phi công cao lớn, da trắng đỏ, có lẽ là người Nga, mặc đồ phi hành dân sự, đi giữa hai hàng ghế hành khách để vào buồng lái, tôi ngẩn ngơ nhớ lại… ngày nào!
Chiếc vận tải cơ Illouchine 14 của Hàng không Nga chuyển bánh ra phi đạo, rồi cất cánh bay lên. Toàn thân tôi rung mạnh theo đà máy bay bay lên, bỗng dưng hai mắt tôi nhắm nghiền lại, người tôi tự nhiên thấy ớn lạnh khi chợt nhớ đến… một chuyến bay xưa ..!!!
Rồi những kinh hoàng, hãi hùng của những giây phút rùng rợn gần 10 năm xưa tiếp diễn qua tâm trí tôi như một cuốn phim:
Tôi nhớ chiếc phi cơ C47 trắng ngần do tôi lái đêm ấy khi vượt qua vĩ tuyến 17, bay là sát mặt biển rồi vào vùng trời miền Bắc. Cả 10 anh em chúng tôi đều thần kinh căng thẳng, không ai nói vơi ai một lời. Khi máy bay vào sâu nội địa, lúc ấy khoảng hơn 1 giờ đêm, đột nhiên tôi thấy nhoáng lên như ánh chớp màu da cam ngay trước mặt tôi trong bầu trời như bức màn đen, máy bay rung giật mạnh, không nghe một tiếng nổ hay bất cứ một âm thanh gì, hai tay tôi ôm cứng tay lái, cố giữ thăng bằng cho chiếc máy bay, mắt tôi còn thoáng thấy anh Mậu điều hành viên và anh Thích phi công phụ, rồi… tôi không còn biết gì nữa!
Không biết mãi bao lâu sau, khi thấy lạnh run, tôi cố mở mắt nhìn trong đêm tối đen kịt, người tôi như vỡ nát ra trăm mảnh, tôi không cử động được tay chân, đau đớn tận cùng, hồn tôi lửng lơ, tôi tưởng như tôi đã chết rồi, hay đang… chết. Sau đó dần dần một lúc, tôi mới cảm thấy đau nhừ khắp cả người, chỗ nào cũng đau, tôi không nhìn thấy gì cả, cố thu hết tàn lực đưa tay quờ quạng hốt ít nước bùn lầy đưa lên mặt để rửa. Nước bùn nhầy nhụa hòa với một thứ nước mằn mặn, máu,  mặt tôi đầy máu, tôi lại mê man, tâm trí như có một khoảng trống rỗng, chẳng còn ý niệm gì về thời gian, không gian.
Tôi cũng chẳng biết là cho đến bao lâu nữa, mãi khi tai tôi nghe có tiếng người văng vẳng trong gió lao xao của đêm khuya. Tiếng kêu: “Chết tôi, nóng quá, nóng quá, chết… tôi!”
Tiếng kêu thảm thiết của những người đang chết cháy! Tôi không nhúc nhích gì được, một nửa người của tôi ngập sâu dưới bùn lầy, tôi cố mở mắt nhìn: cách chỗ tôi “đứng” vài trăm thước, một đám cháy to, lửa đỏ bốc lên ngùn ngụt, những tiếng thét kinh hoàng mà tôi nghe từ đó vọng ra, tôi nửa tỉnh nửa mê, lờ mờ biết rằng chiếc phi cơ C47 do tôi lái đã bị bắn rơi xuống đây và đang bốc cháy!
Tôi lại mê man bất tỉnh cho đến khi mở choàng mắt ra lần hai, lúc này tôi đã nhìn được lờ mờ thấy khung cảnh đồng ruộng sình lầy, đầu tôi đau nhức như có người lấy dao nạo vào óc, rồi tôi nghe tiếng người hò hét xa xa, tiếng léo nhéo, quát tháo vẳng trong gió đêm.
Tiếng quát tháo của đàn ông, đàn bà càng lúc càng gần cùng với những ngọn đuốc lập lòe đốt sáng cả một góc trời, đầu óc tôi tê đi, cho đến lúc họ đến quát tháo bên tôi mà tôi vẫn “đứng im như một xác chết đứng.” Họ hò nhau túm lấy tay chân tôi, kéo tôi ra khỏi sình lầy.
Lúc này trời đã sáng tỏ, tôi thấy không biết bao nhiêu người, đàn ông, đàn bà lố nhố vây quanh tôi, súng ống, gậy gộc, họ hầm hè như muốn nhai xương, uống máu, ăn thịt tôi, tôi đau đớn, tôi sức tàn, tôi sợ, tôi nhắm mắt lại, rồi lại lịm đi, văng vẳng nghe tiếng quát, tiếng chửi rủa:
“Coi chừng, nó hãy còn sống, đập chết nó đi, nó là biệt kích ác ôn của Mỹ Diệm!”
Cuốn phim đến đây tự nhiên tắt, tôi giựt mình bừng tỉnh dậy. Tôi đang ngồi trên chiếc ghế của hành khách, máy bay đang bay êm, tiếng máy đều đều… Trong máy bay lạnh nhưng người tôi ướt đẫm mồ hôi, ướt thấm cả bộ quần áo nâu tôi đang mặc, tôi cảm thấy lạnh, lạnh ớn xương sống… với giấc chiêm bao vừa qua!
Với tay lấy cái mền đắp lên người tôi mới nhớ ra các giấy tờ mang theo, tôi lấy ra xem. Ngoài tờ giấy thông hành tạm, đóng dấu đỏ của Bộ Công An Hà Nội là giấy máy bay của Hàng Không Pháp Air France, trong đó ghi chặng đường bay: Hà Nội, Canton, Hồng Kông, Paris.
Tôi nghĩ: tại sao ghé qua Quảng Đông? (Canton) Đó là đất Trung Cộng, nếu gặp lôi thôi, trở ngại biết làm sao? Mãi loay hoay với cả ngàn ý nghĩ lo âu, tôi không để ý đến đèn báo hiệu buộc dây an toàn bật sáng, cho đến khi người chiêu đãi viên đến nhắc tôi vì máy bay chuẳn bị đáp xuống. Phi trường Quảng Đông vắng tanh, lạnh ngắt, không thấy một sinh hoạt nào như các phi trường dân sự khác, không thấy một chiếc máy bay nào khác đậu ở sân bay, ngoài chiếc máy bay tôi đang đi, từ từ vào bến đậu. Tôi xuống máy bay theo sau lẻ tẻ hai ba người hành khách khác, đi vào trạm nhà ga. Tôi tìm ngay đến quầy của Air France. Sau khi xem giấy tờ, giấy máy bay của tôi, một người Tầu, bập bẹ nói tiếng Pháp, nói:
“Chúng tôi không có đường bay nối tiếp (connection) giữa Canton và Hồng Kông, theo lộ trình đã được chỉ định và trả tiền trước trong giấy của anh, chúng tôi sẽ cho anh đi Hong Kong bằng đường xe lửa, khi đến Hong Kong anh sẽ lấy máy bay đi Paris, anh theo tôi ra xe để tôi đưa anh ra nhà ga xe lửa.”
Ngồi trên xe theo người nhân viên Air France từ phi trường ra ga xe lửa, quang cảnh hai bên đường xe chạy lạ hoắc, nhưng tôi đâu còn tâm trí nào để ghi nhận! Nhà ga xe lửa Quảng Đông nhộn nhịp ồn ào khác thường, đặc nghẹt hành khách và hành lý. Người nhân viên Tầu dắt tôi len lỏi qua đám người, chen chúc đến quầy lấy vé rồi đưa tôi lên một toa giữa con tầu, may mắn tìm được một chỗ ngồi gần cửa sổ, anh ta đưa tay bắt tay tôi, anh chúc tôi may mắn: “Bonne chance.”
Khi xe lửa bắt đầu lệnh khệnh lăn bánh, một kiểu xe lửa từ thời chiến tranh 1914-18, cũng là khi tôi thấy đói lả, mệt nhừ! Chợt nhớ túi bánh chưng xách theo từ khi rời Hà Nội, tôi mở ra lấy một cái, bóc lá, nhỏm nhẻm ăn ngon lành, thả hồn thưởng thức hương vị của bánh chưng Tết, mặc kệ quang cảnh ồn ào chung quanh, tiếng cười, tiếng nói “xí xí ngộ cỏn” của các hành khách nông thôn Tầu đủ loại, đang chen chúc nhau trong toa tàu chật hẹp.
Trời đã xế chiều, tôi không có ý niệm chính xác về thời gian, đoán chừng là đã 4, 5 giờ chiều thì xe lửa từ từ dừng lại vì đã tới trạm ranh giới giữa Quảng Đông và Hồng Kông. Sau khi xe lửa ngừng hẳn, giữa cảnh ồn ào nhốn nháo của hành khách, tôi thấy hai người mặc đồng phục, một người Anh và một người Tầu, tôi đoán là nhân viên của Sở Di Trú (Immigration) lên toa xe để kiểm soát giấy tờ.
Sau khi xem xét giấy thông hành tôi trình, nhân viên người Anh lật qua lật lại tờ giấy của tôi, xem kỹ rồi nói:
“Với giấy thông hành này của CS Hà nội cấp cho anh đi đường, vì không phải là sổ thông hành chính thức, chúng tôi chỉ chấp nhận cho anh đi qua (transit) Hông Kông 24 tiếng đồng hồ mà thôi, sau thời gian đó, anh phải đi ra khỏi Hong Kong, nếu không chúng tôi sẽ bắt anh và trục xuất anh về Hà Nội, anh có hiểu rõ lời tôi nói không?”
Tôi xanh mặt, láp nháp trả lời:
“Yes, yes Sir!”
Tay run run cầm tờ giấy thông hành người nhân viên Anh đưa trả, tôi nghĩ thầm: “Chết cha thằng nhỏ rồi, biết lo liệu làm sao đây?”
Xe lửa ngừng hẳn ở nhà ga Hong Kong, hành khách chen chúc nhau đi xuống, tôi đặt chân xuống nền xi-măng sạch mát của nhà ga, lòng tự nhiên thấy hả hê, vui lây với quang cảnh sinh hoạt của Thế giới Tự do! Tôi nhìn đồng hồ nhà ga, đã hơn 6 giờ chiều, tôi vội ra khỏi nhà ga, tìm đường mò về phi trường Kaitak, phi trường quốc tế của HongKong
“Thả cọp về rừng”, đường xá ở Hong Kong đâu có xa lạ gì với tôi, khi tôi còn lái cho Air Vietnam, nhiều lần tôi ghé qua ăn chơi ở đây. Tôi vừa đi vừa chạy, băng qua các phố xá đông nghịt người vui cảnh Tết, nhưng tôi đâu có dám dừng chân để thưởng thức gì, vừa mệt vừa lo sao cho mau đến phi trường Kaitak để bắt cho kịp chuyến máy bay Air France đi Paris.
Vào đến phi trường là lúc phố xá lên đèn, người tôi mệt nhoài, tôi hổn hển tìm đến quầy vé Air France, trình giấy máy bay để đi cho kịp chuyến AF 1002, cất cánh lúc 20 giờ đi từ Hong Kong sang Paris theo như trên bảng khởi hành (departure) mà tôi đã nhanh mắt nhìn qua.
Người nhân viên Air France sau khi xem vé và giấy thông hành của tôi, nói:
“Chúng tôi rất tiếc không thể cho anh đi trên chuyến bay này vì anh mang giấy tờ của CSBV, máy bay của chúng tôi phải làm transit ở Bangkok, tôi sợ nhà cầm quyền Thái sẽ làm khó dễ anh, họ làm khó cả hãng chúng tôi vì họ đã có lời yêu cầu không được cho người Bắc Việt Nam đi trên máy bay dù người đó chỉ ghé qua Thái Lan. Tôi khuyên anh nên nhẫn nại chờ chuyến sau, hoặc bay thẳng, hoặc ghé nơi nào thuận lợi cho anh thì anh hãy đi.”
Cầm giấy tờ người nhân viên đưa trả tôi thở hắt ra: “Hỡi ơi, sao lại gặp rắc rối quá trời như thế này”. Chân đi không vững, tôi mò ra ghế ngồi, trong lòng “trống đánh thùng thùng”, lo sợ cứ nghĩ đến giờ sẽ bị trục xuất! Sợ mà không biết phải làm sao để có thể đến Paris.
Chợt có người từ đằng sau đi tới vỗ nhẹ lên vai tôi và một giọng phụ nữ vui vẻ nói bằng tiếng Pháp:
“Ê có khỏe không? Anh có phải là anh Vân, captain Air Vietnam? Đi đâu mà ăn mặc kỳ cục không giống ai hết vậy?”
Tôi quay lại, một người đẹp trong bộ y phục nữ chiêu đãi viên Hàng Không tươi cười đưa tay cho tôi bắt, nàng nói:
“Anh quên tôi rồi sao? Tôi là Francoise, hôtesse Lufthansa nè! “
Tôi ngỡ ngàng nhìn người thiếu phụ quen quen mà không nói được một lời, nàng huyên thuyên kể chuyện cũ.
À! Thì ra nàng là Francoise Dupuis, nữ chiêu đãi viên bay cho Hàng không Đức, người mà thời xưa, lúc tôi còn lái cho Air Vietnam, từng được tôi mời ăn, mời uống, mời nhẩy mỗi khi tôi gặp nàng ở những escale HongKong hay Tokyo.
Tôi mừng quá là mừng. Tôi vội kể sơ cuộc đời tôi trong 10 năm vừa qua và cái rắc rối lớn tôi gặp ở đây. Nghe xong nàng nói:
“Anh đừng lo, tôi sẽ thu xếp cho anh đi Paris ngay đêm nay. Anh đưa vé máy bay của anh cho tôi, tôi sẽ lo liệu cho anh đi trên chuyến máy bay Lufthansa của tôi, cất cánh đi Francfort lúc 10 giờ đêm nay, có ghé qua Paris, có điều là tôi dặn anh phải nhớ, khi đáp xuống Bangkok để tiếp tế xăng và lấy thêm hành khách, anh phải giả bệnh nằm lại trên phi cơ, tôi sẽ tìm cách thu xếp cho anh tránh khỏi sự kiểm soát của Thái Lan, anh nhớ nhé. Anh đi theo tôi làm thủ tục cho kịp.”
Mừng như người sắp chết được sống lại, tôi líu ríu đi theo người đẹp mà lòng xôn xao thầm nghĩ : “Sao mình may mắn được hưởng cảnh “thánh nhân hậu đãi kẻ khù khờ” như vầy nè.”
Sau bao nhiêu gian truân trắc trở, lo lắng trên đoạn đường đời của một người “Từ Cõi Chết Cộng Sản tìm về Cõi Sống Tự Do” cuối cùng tôi đặt chân xuống Phi Trường Orly, Pháp, ngày 7 tháng 2 năm 1971.
Cò Trắng Phan Thanh Vân
Xuân 2002
CT Hà Đông: Những chiếc phi cơ chở Biệt Kích ra Bắc được sơn trắng toát, không có quân hiệu, số hiệu, những phi công chuyên lái những phi cơ trắng ấy được gọi là Cò Trắng.
Tôi gặp Phi công Phan Thanh Vân khoảng năm 2000, buổi gặp đầu tiên ở nhà ông Cựu Trung Tá Không Quân Hoàng Song Liêm. Vì không quen biết anh PT Vân từ trước 1975 nên nay tuy tôi rất mến anh, rất muốn biết nhiều hơn về cuộc phiêu lưu thập tử vô nhất sinh của anh, tôi không có dịp làm thân với anh để được biết thêm. Tôi chỉ biết người phi công lái chiếc phi cơ ra Bắc đêm đó là Phi công Nguyễn Cao Kỳ. Ông này bận việc nên Phi công Phan Thanh Vân tự nguyện bay thay.
Sống sót sau tai nạn, bị mù một mắt, anh PT Vân kể ông Hồ Chí Minh ra lệnh các y sĩ phải bằng mọi giá cứu sống vài người trong số 10 anh em anh, để đưa ra tòa, tố cáo với thế giới là Miền Nam VN vi phạm Hiệp Định Geneve, cho biệt kích ra đánh phá miền Bắc. Tôi được biết là các chính phủ Việt Nam Cộng Hoà đều chối việc gửi Biệt Kích ra Bắc – nói là không có việc gửi Biệt Kích ra Bắc – nên người Phi công Phan Thanh Vân khi đến Pháp không được Toà Đại Sứ VNCH nhận là chiến sĩ Quốc Gia, không nhận tất nhiên là không cho hưởng quyền lợi cũng không giúp gì cả. Nghe nói khi Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ đến Paris dự hội nghị, người Phi công Phan Thanh Vân thế mạng cho ông năm xưa ở trong số người Việt đến đứng ngoài cửa Hotel đón mừng ông. Thấy bạn Phi công Phan Thanh Vân xưa, Phó TT Nguyễn Cao Kỳ bắt tay, hỏi:
- Vân đấy à???
Nếu đêm xưa ấy Phi công Nguyễn Cao Kỳ bay chuyến bay ra Bắc như đã định, thì hôm nay tôi đâu có gì để phải xấu hổ. Than ôi.. Số. Tại Số. Ai bảo ở đời người ta không có Số? Tôi bảo Có!
Sau mấy năm ở Pháp, anh Phan Thanh Vân sang sống ở Hoa Kỳ. Anh qua đời ở Virginia. Tuổi anh bằng tuổi tôi: chúng tôi ra đời những 1932. 1933, 1934 Thế Kỷ Hai Mươi Trần Ai Khoai Củ!
PT Vân là Công Tử Sài Gòn, hào hoa và có số đào huê hơn người. Những năm 1960 tôi nghe nói anh được hưởng “ân huệ thơm như múi mít” của hai Nữ Ca Sĩ tài danh đương thời. Trong hai Nữ Ca Sĩ này có một người tôi biết người anh em cùng vợ với tôi là anh Hoàng Hải Thủy thấy đẹp, quyến rũ quá chời. Nhưng năm 1960, thời gian Nàng trẻ, Nàng đẹp, anh Hoàng Hải Thủy nhà tôi đã vợ con dzầm dzề dzồi nên anh không thể làm cánh bướm si tình mon men theo tà áo ngát hương của Nàng.
Tôi đăng bài viết của Phi Công Phan Thanh Vân để nói với quí vị chuyện Nguời Ta ở Đời có Số. Quần áo, giày dzép, sú-cheng, si-líp còn có Số, huống chi Người Ta.
Tôi cảm khái cách gì khi đọc đoạn Nàng Hotesse de l’Air Lufhansa Francoise nhẹ gót sen đi đến vỗ vai người Phi Công VNCH Tơi Tả vưà mới ra Tù đang ngồi rầu rĩ ở Phi Tràng Hong Kong. Mèn ơi.. Nếu là tôi, tôi um hun Nàng thấm thít, Police Hong Kong có đánh 216789 cây dzùi cui lên lưng, lên đầu tôi, tôi cũng không buông Nàng ra. Nàm thao tôi buông Nàng ra được!
Mèn ơi.. Cảm khái cách gì!
Hoàng Hải Thủy

“NGƯỜI VỀ TỪ CÕI CHẾT”

(bài viết của Phan Thanh Vân)
Như tôi đã thưa với quý vị ở trên, vì trước đây (TĐ 2 và TĐ 3) tôi đã tường thuật chuyến bay C47 của Phan Thanh Vân do Vân kể lại trong tù. Ngày nay tôi và Vân đã gặp nhau nhiều lần ở Mỹ.
Vừa qua, Vân gửi cho tôi một đoản văn “Người Về Từ Cõi Chết” (hồi ký của Phan Thanh Vân lấy bút danh “Cò Trắng”). Để tôn trọng và để quý vị thẩm định, tôi xin đánh máy lại nguyên văn.
Tôi cũng xin sơ lược lại một chút về Vân:
Vân du học khoá phi công tại Maroc (Phi Châu) và ở Pháp (1952)) đến 1954 tốt nghiệp ngày vận tải. Vân về nước phục vụ tại phi đoàn I, đóng ở sân bay Tân Sơn Nhất. Vân là trung úy huấn luyện phi công vận tải, tại liên phi đoàn I, dưới quyền chỉ huy của Trung Tá Nguyễn Cao Kỳ.
Đầu 1958 Vân được biệt phái sang hãng Hàng Không VN (Air Vietnam).
Năm 1961 Vân được gọi về Bộ Tư Lệnh KQ để lãnh nhiệm vụ bí mật. Vân được lái một chiếc vận tải có tên “Cò Trắng” chuyên thám thính, tiếp tế và thả dù các toán gián điệp biệt kích ra Bắc. Lúc này “Cò Trắng” có hai phi cơ C47. Một do Vân và một do Nguyễn Cao Kỳ chỉ huy và trực tiếp lái. Kế hoạch tình báo bí mật này do CIA tổ chức và điều động. Hai chiếc phi cơ này đều được tẩy xoá hết quốc huy, cờ quạt, chỉ còn một mầu trắng toát.
Ngày 1 tháng 7 năm 1961, anh lãnh nhiệm vụ đặc biệt thay thế cho NCK, lái phi cơ ra miền Bắc để thả dù tiếp tế biệt kích.
Trong chuyến bay định mệnh này, phi cơ của anh đã bị hoả tiễn tầm nhiệt của phòng không CSBV bắn rơi lúc 01g 15 rạng
ngày 2-7-1961 khi phi cơ bay sát từ mặt biển vào đất liền. Máy bay bị rơi xuống một nơi thuộc xã Tô Hiệu, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Phi hành đoàn do anh chỉ huy và lái gồm:
 - 2 phi công phụ (Trung Uý Phan Khắc Thích, Thiếu Úy Trần Minh Tâm),
 - 2 điều hành viên (Thiếu Uý Tiêu Hùynh Yên, Chuẩn Úy Phạm Trọng Mậu)
- 1 vô tuyến điện viên (Trung Sĩ Nguyễn Văn Nở)
- 1 cơ khí viên (Thượng Sĩ Phạm Văn Đăng)
Ngoài ra còn có 3 biệt kích dù (Thượng Sĩ Lộc, Trung Sĩ Tiết và Thượng Sĩ Khoa) thuộc phòng 46 (sở Bắc sau đổi thành Nha Kỹ Thuật)
Cả thảy 10 người trên phi cơ lúc bị bắn rơi xuống bãi sình lầy rồi bốc cháy. Người chết cháy vì kẹt lại trong phi cơ, người bị thương nặng rồi chết sau đó, chỉ còn lại 3 người sống sót là anh Phan Thanh Vân, người cơ khí viên và 1 biệt kích dù. Cả 3 đều bị thương tích nặng và bị dân quân CSBV trên bờ ào ra bắt giữ.
Sau một thời gian bị giam giữ hỏi cung tại trại giam Hoả Lò Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 1961 anh bị đưa ra Toà Án Quân Sự Trung Ương CSBV xét xử cùng với 2 đồng hành với bản án như sau:
- Đinh Như Khoa, biệt kích dù, 15 năm tù
- Phan Thanh Vân, trưởng phi cơ, 7 năm tù
- Phạm Văn Đăng, cơ khí viên, 3 năm tù.
Sau khi lãnh án, anh bị đưa đi cải tạo ở trại Bắc Bạt (Ba Vì, Sơn Tây), rồi sau đó bị đưa lên giam giữ tại trại E, một phân trại thuộc trại Trung Ương số 1 ở phố Lu Lào Cai (tôi đã gặp Phan Thanh Vân ở đây).
Năm 1971, anh được CSBV phóng thích sau một thời gian 10 năm (tù giam và quản thúc) và nhờ sự lo lắng của gia đình người chị ruột qua Hồng Thập Tự Pháp, anh được đưa sang Pháp để đoàn tụ với gia đình và sinh sống.
Sau đây là nguyên văn bài “Người Về Từ Cõi Chết” do chính PTV viết. Năm ngoái (2004) Vân đã gửi cho tôi từ DC.
o O o
Hôm nay đã là 29 tháng chạp, chỉ còn vài ngày nữa là Tết rồi. Tết năm nay là Tết Tân Hợi ( 1971 ) và đúng là cái Tết thứ 10 mà mình sống bơ vơ, xa gia đình , xa quê hương xứ sở
Chiều hôm nay, sau khi hoàn thành xong chiếc giường đôi rẻ quạt, gã chính ủy (ủy viên chính trị) quản lý hợp tác xã mộc Đồng Tiến ở thị xã Ba Vì, tỉnh Sơn Tây gọi tôi lên văn phòng và nói:
- Anh nghỉ việc sáng hôm nay, về lán thu xếp để chuẩn bị ngày mai về Hà Nội.
Tôi thắc mắc:
- Dạ, báo cáo cán bộ, tôi về Hà Nội có chuyện gì và về bao lâu?
Gã lạnh như tiền:
- Anh đừng thắc mắc, đó là lệnh trên của Trung ương, tôi cũng không biết lý do. Anh cứ chuẩn bị sẵn sàng đi, và có lẽ anh sẽ không trở về đây đâu.
Ra khỏi văn phòng cán bộ, tôi trở về lán thu xếp đồ nghề mà trong lòng nghĩ ngợi miên man; lại cái gì đây? Được đưa về đây sống quản thúc ở hợp tác xã mộc này đã gần 2 năm nay, ngày ngày tháng tháng lòng mình lúc nào cũng thấp thỏm lo âu với cái tội nặng nề thầm kín mang trong người là “giặc lái Mỹ Ngụy “
Năm 1961, sau khi lãnh án tù 7 năm, là từ Hỏa Lò Hà Nội đến trại này, trại kia, cuối cùng là trại E Phố Lu ( Lào Cai ), tôi đã “ngoan ngoãn” cải tạo tư tường để trở thành “thành phần tiến bộ”, để sau khi hết án 7 năm tù, được hưởng thêm 2 năm “tự giác” ở lại trại giam. Và cuối cùng cho đến năm 1969, tôi đã thở phào nhẹ nhõm người khi được nhân dân, Đảng và nhà nước trả tự do, đưa về đây quản thúc với nghề thợ mộc, “ngày động tối điểm” ( ban ngày lao động: cưa xẻ, đóng bàn, đóng giường, tối điểm danh trước khi đi ngủ).
Tối hôm nay trằn trọc mãi, không tài nào ngủ được, lo nghĩ lại chuyện gì sẽ đến với mình đây, tại sao lại bị đưa về Hà Nội, tại sao . . . . . . ..tại sao . . . . . . . . .nằm mãi không ngủ được thôi thì dậy, phì phèo vài điếu thuốc lào.
Ngoài lán các “đồng chí” đang quây quần bên đống lửa to, canh nồi bánh chưng. Nghĩ lại nếu không có cái lệnh đi Hà Nội thì giờ này mình cũng ngồi ngoài đó vì ban sáng mình đã được phân công canh nấu bánh chưng tối nay.
Sáng rồi, chưa tới 9 giờ thì thấy đã có một chiếc xe Molotova loại nhỏ như xe Jeep của Mỹ, đậu sẵn ở trong sân của Hợp Tác Xã .Tôi cũng đã sẵn sàng khi “đồng chí” cán bộ quản lý xuống kêu lên văn phòng gặp cán bộ trung ương. Vào đến văn phòng là tôi khựng lại, nghĩ thầm trong lòng:
- Lại cái ông Toán này nữa, cái ông cán bộ công an đã săn sóc mình trong mấy năm qua, từ khi mình được trở thành người tự do !
Sau khi anh quản lý bảo tôi ngồi xuống rồi đi ra, ông Toán mới chậm rãi:
- Anh có được khỏe không? Hôm nay tôi lên gặp anh để đưa anh về Hà Nội và sau đó đưa anh ra sân bay để anh đi Pháp đoàn tụ với gia đình. Đảng và nhà nước đã rất khoan hồng đối với anh và đã chấp thuận lời xin của gia đình người chị của anh ở bên Pháp, cho anh về Pháp sum họp gia đình.
Nghe đến đây tôi như tắt thở, mừng đến nỗi nhịp tim đập mạnh như muốn nhảy ra ngoài, tuy nhiên vẫn cố lấy bình tĩnh để nghe tiếp những lời lải nhải của đĩa hát cũ đã rè, lập đi lập lại, nào là anh phải biết ơn nhân dân, biết ơn Đảng và nhà nước, nào là anh phải tiếp tục cải tạo tư tướng để thành người tiến bộ, trở về phục vụ nhân dân, phục vụ Đảng và nhà nước v.v… và v.v….
Ông Toán nói tiếp:
- Đây là giấy thông hành tạm cấp cho anh để anh dùng đi đường ra nước ngoài, còn đây là giấy máy bay của hãng hàng không Pháp Air France đi từ Hà Nội đến Paris. Giấy máy bay này do người chị của anh mua và gởi sang cho chúng tôi để nhờ đưa lại cho anh đùng. Thôi chúng ta chuẩn bị lên đường kẻo trễ, anh còn có ý kiến, còn muốn phát biểu gì không?
Tôi lập bập:
- Dạ báo cáo cán bộ, dạ dạ thưa không!
Đứng dậy ra xe chân mình bủn rủn, đi hết muốn vững. Đâu có ngờ !
Ra đến xe thấy cán bộ quản lý chạy lại:
- Anh cầm lấy túi bánh chưng này, đây là quà Tết của hợp tác xã tặng anh, cầm theo mà ăn đi đường.
Xe lăn bánh rời Ba Vì, bon bon trên đường hướng về Hà Nội. Ngồi trên xe mà lòng tôi lâng lâng, nửa tỉnh nửa mơ, mừng lo lẫn lộn, vì chưa hẳn dám tin đó là chuyện thật, hai bên đường cây cối trơ trụi, bụi đường tung tóe theo lằn bánh xe lăn, nhưng sao mình thấy cái gì cũng vui tươi, cái gì cũng đẹp sáng, tưng bừng như … Tết.
Mải triền miên với trăm nghìn ý nghĩ trong đầu, tôi không để ý đã băng qua Hà Nội lúc nào và đang trên đường tiến về sân bay Bạch Mai.
Xe đến cổng phi trường thì chạy chậm lại, tài xế lái xe vào đậu ở gần nhà ga hành khách, ông Toán bước xuống quay lại bảo tôi xuống xe theo ông vào trong làm thủ tục giấy tờ.
Tôi liếc nhanh quanh sân bay, ngoài bãi đậu xa hai ba chiếc máy bay rải rác đậu, một chiếc máy bay kiểu Illouchine 14 của Nga (máy bay vận tải chở hành khách loại nhỏ) đang chuẩn bị, năm ba người nhân công chạy chung quanh, người đổ xăng, người đi vòng phi cơ kiểm tra.
Tôi nghĩ bụng mình sẽ đi với chiếc phi cơ này. Sau khi theo ông Toán vào quầy hành khách để trình giấy tờ, giấy thông hành, giấy máy bay. . …làm xong thủ tục, ông Toán nói:
- Thôi đến giờ rồi, anh theo ra máy bay đi, anh đi mạnh giỏi và hãy nhớ những gì anh đã tiếp thu được mà cố gắng trở thành người tốt.
- Dạ báo cáo cán bộ, dạ tôi xin cám ơn!
Mình lập bập, hối hả theo sau độ năm mười người nữa ra hướng máy bay đậu. Nhìn những hành khách khác, không biết là Việt hay Tàu, người nào cũng áo bốn túi, cổ Mao, chắc toàn là cán bộ đi công tác, còn mình thì chả giống ai với bộ bà ba nâu, chân đi dép cao su Bình Trị Thiên, tay quẩy túi bánh chưng bây giờ mới để ý thấy có bốn cái, mình lững thững bước lên vào tìm chỗ ngồi trong phi cơ. Nhìn anh phi công cao lớn, da đỏ có lẽ là người Nga, mặc đồ phi hành dân sự, đi giữa hai hàng ghế hành khách để lên buồng lái, tôi ngẩn ngơ nhớ lại . . …ngày nào!
Chiếc vận tải cơ Illouchine 14 của hãng hàng không Nga từ từ chuyển bánh ra phi đạo, ngừng lại chỗ thử máy và sau đó cất cánh nhẹ nhàng.
Toàn thân tôi rung mạnh theo đà máy bay lăn trên phi đạo rồi từ từ rời đất liền và theo chiều cao bay lên, bỗng dưng hai mắt tôi nhắm nghiền lại, người tôi tự nhiên thấy ớn lạnh khi chợt nghĩ đến . . . . . . một chuyến bay ! ! !
Rồi những kinh hoàng, hãi hùng của những giây phút rùng rợn gần 10 năm xưa dần dần tiếp diễn qua tâm trí tôi như một cuốn phim:
Tôi nhớ rõ chiếc máy C47 trắng ngần do tôi lái khi vượt qua vĩ tuyến 17, bay là sát mặt biển xâm nhập vào bầu trời của miền Bắc, dù còn ở ngoài khơi của biển Đông, cả 7 người trong phòng lái chúng tôi đều bắt đầu thấy thần kinh căng thằng; người này lo lắng liếc mắt nhìn người kia, không ai nói với ai một lời. Khi máy bay vào sâu nội địa, tôi còn nhớ lúc ấy khoảng hơn 1 giờ đêm, đột nhiên tôi thấy nhoáng lên như ánh chớp màu da cam ngay trước mặt tôi trong bầu trời như bức màn đen, máy bay tự nhiên rung giật mạnh, không hề nghe một tiếng nổ hay bất cứ một âm thanh gì, hai tay tôi ôm cứng lấy tay lái, cố giữ thăng bằng cho chiếc máy bay, mắt tôi còn thoáng thấy anh Mậu điều hành viên và anh Thích phi công phụ ôm chầm lấy nhau, rồi. . …tôi không còn biết gì nữa!
Không biết mãi bao lâu sau, khi thấy lạnh run, tôi cố mở mắt nhìn trong đêm tối đen kịt, người tôi như vỡ nát ra trăm mảnh, tôi không cử động được tay chân, đau đớn tận cùng hồn tôi lửng lơ, tôi tưởng như tôi đã chết rồi, hay đang . . . .chết. Sau đó dần dần một lúc, tôi mới cảm thấy đau nhừ khắp cả người, chỗ nào cũng đau, tôi không nhìn thấy gì cả, cố thu hết tàn lực đưa tay quờ quạng hốt ít nước bùn lầy đưa lên mặt để rửa. Nước bùn nhầy nhụa hòa với một thứ nước mằn mặn trên gương mặt loang lổ của tôi: “Máu”. Mặt tôi đầy máu, tôi cố mở mắt nhiều lần nhưng vẫn không thấy gì, đầu tôi như có ai cầm chiếc gậy đập đều đều, tôi lại mê man, tâm trí như có một khoảng trống rỗng, chẳng còn ý niệm gì về thời gian, không gian.
Tôi cũng chẳng biết là cho đến bao lâu nữa, mãi khi tai tôi chợt nghe văng vẳng trong gió lao xao của đêm khuya: Chết tôi rồi, chết tôi rồi, nóng quá, nóng quá, chết . . ..tôi rồi?
Tiếng kêu thảm thiết của những người đang chết cháy! Tôi không nhúc nhích gì được, cả một nửa người của tôi đã ngập sâu dưới bùn lầy, tôi cố mở mắt to: xa xa cách chỗ tôi “đứng” độ vài trăm thước, một đám cháy to, lửa đỏ bốc lên ngùn ngụt và những tiếng thét kinh hoàng mà tôi nghe từ đó vọng ra, tôi như nửa tỉnh nửa mê, chợt lờ mờ có ý niệm rằng chiếc C47 do tôi lái đã bị bắn rơi xuống đây và đang bốc cháy!
Tôi lại mê man bất tỉnh cho đến khi mở choàng mắt ra, lúc này đã nhìn được lơ mơ thấy khung cảnh đồng ruộng sình lầy, đầu tôi đau nhức như có người lấy dao nạo vào óc, rồi tôi nghe rõ tiếng người hò hét xa xa, tiếng léo nhéo, quát tháo vẳng trong gió đêm.
Một ý thức bừng dậy thành phản xạ của sự sống còn ập đến như một đòn bẩy, tôi cố vùng vẫy, nhô người lên khỏi đám sình lầy nhưng tôi quá yếu, bất lực?!
Tiếng quát tháo lẫn lộn của đàn ông lẫn đàn bà càng lúc càng gần cùng với những ngọn đuốc lập lòe di động đốt sáng cả một góc trời, phần vì khắp người đau như dần với bao nhiêu thương tích, phần vì quá khiếp sợ, đầu óc tôi tê đi, cho đến lúc họ đã quát tháo ầm ầm bên tai tôi mà tôi vẫn đứng im như một xác chết. Họ hò nhau túm lấy tay tôi, kéo tôi ra khỏi sình lầy.
Lúc này trời đã sáng tỏ, tôi lờ mờ thấy không biết bao nhiêu người, đàn ông, đàn bà lố nhố vây quanh tôi, súng ống gậy gộc, họ hầm hè như muốn nhai xương, nuốt sống, ăn thịt tôi. Tôi đau đớn sức tàn, tôi sợ quá, nhắm mắt lại, rồi lịm đi, văng vẳng nghe tiếng quát, tiếng chửi rủa ập ngoáy vào tai tôi: “Coi chừng, coi chừng, nó hãy còn sống, đập chết nó đi, đập chết nó đi, nó là biệt kích ác ôn của Mỹ Diệm!”
Cuốn phim đến đây tự nhiên tắt ngay, tôi giựt mình bừng tỉnh dậy. Tôi đang ngả người trên chiếc ghế nhung của hành khách, máy bay đang bay êm, tiếng máy đều đều. ….Trong máy bay gió lạnh nhưng người tôi ướt đẫm mồ hôi, ướt thẫm cả bộ quần áo nâu tôi đang mặc, tôi cảm thấy lạnh, lạnh ớn xương sống…..với giấc chiêm bao vừa qua!
Với tay với cái mền đắp lên người mới nhớ ra các giấy tờ mang theo trong người, lần mò móc ra xem, ngoài giấy tờ thông hành tạm, đóng dấu đỏ của bộ công an Hà Nội là giấy máy bay của hãng hàng không Pháp Air France, trong đó ghi chặng đường đi: Hà Nội, Canton, Hongkong, Paris.
Tôi nghĩ thầm trong bụng: tại sao ghé qua Quảng Đông (Canton) đó là đất đai của Trung Cộng, nếu mà lôi thôi trở ngại biết làm sao? Mải loay hoay với ngàn ý nghĩ lo lắng, tôi không để ý đến đèn báo hiệu buộc dây an toàn bật cháy, cho đến khi người chiêu đãi viên nhắc tôi vì máy bay chuẩn bị đáp. Phi trường Quảng Đông vắng tanh, lạnh ngắt, không thấy một sinh hoạt nhộn nhịp nào như các phi trường dân sự khác, không thấy một chiếc máy bay nào khác đậu ở sân bay, ngoài chiếc máy bay tôi đang đi, từ từ vào bến đậu, ngay trước nhà ga hành khách. Tôi được mời xuống máy bay theo sau lẻ tẻ hai ba người hành khách khác, đi vào trạm nhà ga.
Vì đã quen với cách thức đi lại của các phi trường quốc tế, tôi tìm ngay đến quầy tiếp khách đại diện của Air France. Sau khi trình giấy tờ, giấy máy bay của tôi cho nhân viên, một người Tầu, bập bẹ nói tiếng Pháp, anh ta xem xong rồi nói:
- Hiện tại chúng tôi không có đường bay nối tiếp (connection) giữa Canton và Hongkong, theo lộ trình đã được chỉ định và trả tiền trước, chúng tôi sẽ lo liệu cho anh đi Hongkong bằng đường xe lửa, và khi đến Hongkong anh sẽ tiếp tục lấy máy bay đi Paris, anh chuẩn bị theo tôi ra xe để tôi đưa anh ra nhà ga xe lửa cho kịp giờ.
Ngồi trên xe theo người nhân viên Air France từ phi trường ra ga xe lửa, quang cảnh hai bên đường xe chạy lạ hoắc, nhưng tôi đâu còn tâm trí nào để nhận xét! Nhà ga xe lửa Quảng Đông thật nhộn nhịp ồn ào khác thường, đặc nghẹt hành khách và hành lý. Người nhân viên Tầu dắt tôi len lỏi qua đám người, chen chúc đến quầy lấy vé và đưa tôi lên một toa giữa con tầu để tìm chỗ ngồi, may mắn tìm được một chỗ trống gần cửa sổ, anh ta chỉ cho tôi ngồi xuống và đưa tay bắt tay tôi chúc may mắn ( Bonne Chance)
Khi xe lửa bắt đầu lệnh khệnh lăn bánh, một kiểu xe lửa từ thời chiến tranh 1914- 18, cũng là khi tôi thấy đói lả, mệt nhừ! Chợt nhớ túi bánh chưng xách tòn ten theo từ khi rời Hà Nội, tôi mở ra lấy một cái, bóc lá, nhỏm nhẻm ăn ngon lành, thả hồn thường thức hương vị của bánh chưng Tết, mặc kệ cho quang cảnh ồn ào chung quanh, tiếng cười, tiếng nói ” xí xí ngộ cỏn” của các hành khách nông thôn Tầu đủ loại, đang chen chúc nhau trong toa tầu chật hẹp.
Trời đã xế chiều, tôi không có ý niệm chính xác về thời gian, đoán chừng là đã 4, 5 giờ chiều thì xe lửa từ từ dừng lại vì đã tới trạm ranh giới giữa Quảng Đông và Hongkong. Sau khi xe lửa ngừng hẳn, giữa cảnh ồn ào nhốn nháo của hành khách, tôi thấy hai người mặc quân phục, một người Anh và một người Tầu, tôi đoán là nhân viên của Sở Di trú ( immigration) lên toa xe để kiểm soát giấy tờ.
Khi họ đến chỗ tôi ngồi và sau khi xem xét giấy thông hành tôi trình ra, nhân viên người Anh lật qua lật lại tờ giấy của tôi, xem xong rồi chậm rãi nói:
- Với giấy tờ thông hành này của CS Hà Nội cấp cho anh đi đường, vì không phải là sổ thông hành chính thức, chúng tôi chỉ chấp nhận cho anh đi qua (transit) đất Hongkong 24 tiếng đồng hồ mà thôi, sau thời gian đó, anh phải đi ra khỏi Hongkong, nếu không chúng tôi sẽ bất giữ anh và trục xuất anh về Hà Nội, anh có hiểu rõ lời tôi nói không?
Tôi xanh mặt, lẩm bẩm trả lời: Yes, yes Sir!
Tay run run cầm tờ giấy thông hành người nhân viên Anh đưa trả lại, bụng nghĩ thầm: Chết cha thằng nhỏ rồi, rồi đây biết lo liệu làm sao?
Xe lửa ngừng hẳn ở nhà ga Hongkong, hành khách chen chúc nhau đi xuống. Tôi đặt chân xuống nền gạch sạch mát của nhà ga, lòng tự nhiên thấy hả hê, vui lây với quang cảnh sinh hoạt của thế giới tự do! Tôi nhìn đồng hồ nhà ga, đã hơn 6 giờ chiều, tôi vội vã len lỏi ra khỏi nhà ga, tìm đường mò về phi trường Kaitak vì biết chắc đó là phi trường quốc tế của Hongkong. “Thả cọp về rừng”, may là đường xá ở Hongkong đâu có xa lạ gì với tôi khi tôi còn lái cho Air Việt Nam và đã từng ghé qua ăn cơm bữa ở đây. Cất bước như vừa đi vừa chạy, băng ngang qua các phố xá đông nghịt người vui nhộn như cảnh Tết, nhưng tôi đâu có dám dừng chân để thưởng thức gì, vừa mệt vừa lo sao cho kịp đến phi trường Kaitak để bắt cho kịp chuyến máy bay Air France đi Paris.
Vào đến phi trường là lúc phố xá đã lên đèn, người tôi mệt nhoài, tôi hổn hển tìm đến quầy vé hãng Air France, trình giấy máy bay đề đi cho kịp chuyến AF 1002, cất cánh lúc 20 giờ đi từ Hongkong sang Paris theo như trên bảng khởi hành (departure) mà tôi đã nhanh mắt nhìn qua.
Người nhân viên hãng Air France sau khi ghi nhận và xem xét giấy thông hành của tôi, anh ta nói:
- Đây nhé, chúng tôi rất tiếc là không thể nhận cho anh đi trên chuyến bay này vì anh mang trong mình giấy tờ của CSBV và máy bay của chúng tôi phải làm transit ở Bangkok, tôi e ngại rằng nhà cầm quyền Thái Lan sẽ làm khó dễ cho anh, tôi khuyên anh nên nhẫn nại chờ chuyến sau, hoặc bay thẳng, hoặc ghé nơi nào có thuận lợi cho anh hơn thì anh hãy đi.
Cầm tờ giấy người nhân viên đưa trả lại mà tôi “hỡi ơi, sao lại gặp rắc rối quá trời như thế này” Chân đi không vững, tôi lần mò ra ghế băng ngồi nghĩ đợi, trong lòng “trống đánh thùng thùng”, lo âu cứ nghĩ đến giờ sẽ bị trục xuất? Chợt có ai đằng sau vỗ vai tôi và một giọng phụ nữ vui vẻ nói bằng tiếng Pháp:
- Ê có khoẻ không? Anh có phải là anh Vân, captain Air Việt Nam? Đi đâu mà ăn mặc kỳ cục không giống ai hết vậy?
Tôi ngỡ ngàng quay lại, một người đẹp trong bộ y phục chiêu đãi viên hàng không tươi cười đưa tay cho tôi bắt:
- Anh quên tôi rồi sao? Tôi là Françoise, hôtesse Lufthansa nè ?
Tôi ngạc nhiên, sượng sùng nhìn người thiếu phụ quen quen không nói được một lời, chị ta tiếp tục huyên thuyên kể.
À! Thì té ra là Françoise Dupuis, nữ chiêu đãi viên bay cho hãng hàng không Đức, người mà thời xưa, lúc tôi còn lái cho Air Việt Nam, đã từng được tôi mời mọc, ăn uống mỗi khi gặp nhau ở các escale Hongkong hay Tokyo . . . .
Tự nhiên tôi thấy thoải mái, mừng lây với cái vui mừng vồn vã, hồn nhiên của người xưa, nay gặp lại nhau, tự nhiên tôi thấy có cam đảm để ” bốc ” với nàng, đem “nghề của chàng” kể lể cuộc đời đã qua với hoàn cảnh hiện giờ của tôi cho nàng nghe.
Nghe xong nàng vui vẻ:
- Anh đừng lo, tôi sẽ cố gắng thu xếp giúp anh. Anh đưa vé máy bay của anh cho tôi, tôi sẽ lo liệu cho anh trên chuyến máy bay Lufthansa của tôi, cất cánh đi Francfort lúc 10 giờ đêm, có ghé qua Paris, có điều là tôi dặn anh phải nhớ, khi đáp xuống Bangkok để tiếp tế xăng và lấy thêm hành khách, anh phải giả bệnh nằm lại trên phi cơ, tôi sẽ tìm cách thu xếp ổn thỏa cho anh tránh khỏi qua sự kiểm soát của Thái Lan, anh nhớ nhé. Thôi anh đi theo tôi làm thủ tục cho kịp.
Tôi vui mừng vô cùng, lững thững đi theo người đẹp mà trong lòng thầm nghĩ sao lại còn may mắn gặp được cảnh ” thánh nhân đãi kẻ khù khờ”.
Sau bao nhiêu gian truân trắc trở, lo lắng trên đoạn đường đời của một người ” từ cõi chết tìm về tự do “, cuối cùng tôi đặt chân xuống phi trường Orly ( Pháp ) ngày 7 tháng 2 năm 1971.  
Xuân 2002
Cò trắng Phan Thanh Vân


van_loi_binh2003
van_binh2008

Phi Vụ Cò Trắng và những nấm mồ còn lại

Phi Vụ Cò Trắng và những nấm mồ còn lại



Vào năm 1961 Không Quân Việt Nam có hai chiếc C-47 sử dụng riêng cho những phi vụ đặc biệt thả các toán biệt kích thâm nhập lãnh thổ Bắc Việt, trong đó Trung úy Phan Thanh Vân là một trong những trưởng phi cơ . Phi vụ “Cò Trắng” nói tới ở đây đã được Phan Thanh Vân viết lại trong cuốn hồi ký “Người Về Từ Cõi Chết” .

Sở dĩ các phi vụ này được đặt tên “Cò Trắng” vì hai chiếc C-47 đã được tẩy xóa các huy hiệu, cờ VNCH .Toàn thân máy bay là một màu nhôm trắng .

Gần đây báo Lý Tưởng Úc châu nhận được một số tài liệu cũng như nhiều hình ảnh liên quan đến phi vụ nói trên. Ban biên tập xin đúc kết các tài liệu này với mục đích phổ biến về phi hành đoàn như để tưởng nhớ và tri ân những chiến sĩ Không-Quân VNCH, những chiến sĩ thuộc Lực Lượng Đặc Biệt của QLVNCH đã âm thầm chiến đấu trong bóng tối, đã hi sinh thân mình để thi hành những nhiệm vụ tối mật, ra đi không hẹn ngày về

Lý Tưởng Úc Châu số xuân Đinh Hợi 2007


Phi vụ Cò Trắng thả Biệt Kích Quân xuống lãnh thổ Bắc Việt

Phi vụ Cò Trắng thực hiện giữa năm 1961 gồm phi hành đoàn 7 ngườI của Không quân và 3 biệt kích quân .

Thành phần phi hành đoàn gồm :
-Trưởng phi cơ : Trung úy Phan Thanh Vân
-Hoa tiêu phó : Trung úy Phan Khắc Thích
-Điều hành viên : Thiếu úy Tiêu Huỳnh Yến, Chuẩn úy Phạm Trọng Mậu
-Cơ khí phi hành : Thượng sỉ I Phạm Văn Đăng
-Vô tuyến viên : Trung sĩ Nguyễn Văn Nở
Các biệt kích quân gồm : Thượng sĩ Trần Phúc Lộc, Thượng sị Đinh Như Khoa và Trung sĩ Nguyễn Văn Tiết


Thiếu úy Trần Minh Tâm khi còn là khóa sinh phi công
Hình chụp trước chiếc T-6G tạI trường bay KQ Pháp (ảnh scan từ Lý Tưởng Úc Châu)

Vào đúng ngày Không Quân VNCH (1 tháng 7) năm 1961, chiếc “Cò Trắng” cất cánh với nhiệm vụ tiếp tế cho một toán Biệt Kích quân đã được thả trước đó, và phi cơ đã bị rớt vào lúc 1 giờ 15 phút sáng ngày 2 tháng 7 tạI xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Theo lờI kể lại của ông Phạm Lâm, trùm họ đạo Kim Sơn, khi ông đi giăng câu trên cánh đồng ngập mặn ven biển, cách khu vực dân cư khoảng 5 cây số, thì vào lúc hơn nửa khuya, ông nghe tiếng động cơ máy bay, nhìn lên trời thì thấy một chiếc máy bay đang bốc cháy và lao xuống, sau đó tiếp tục cháy trên mặt đất. Đến gần sáng, tự vệ nông trường Bình Minh mới ra đến chỗ máy bay rớt, bắt giữ 6 ngườI còn sống, tất cả đều bị thương, một người khác tương đối nhẹ sử dụng thuyền cao su bơi trốn nhưng cũng đã bị du kích xã kế bên bắt giữ .

Ba ngườI thiệt mạng tại chỗ là Trung úy Thích, Chuẩn úy Mậu và Trung sĩ Nở. Trong số này hai ngườI chết cháy vì bị kẹt trong phi cơ nên hài cốt không còn đầy đủ, và một ngườI xác còn nguyên vẹn. Tất cả được vùi chôn không hòm gần chỗ máy bay rơi.


Các khóa sinh phi công Việt Nam trong thời gian học ở Pháp
Đứng cuối phía phải là KQ Trần Minh Tâm (ảnh từ LTUC)

Trong số 7 ngườI còn sống và bị bắt. Thiếu úy Tiêu Huỳnh Yến bị thương nặng nên một ngày sau đã chết tại trạm xá của nông trường Bình Minh và đã được ông Phạm Lâm đích thân khiêng đi chôn (cũng không có hòm). Sáu ngườI còn sống được công an đưa về Hà NộI và bị giam tạI Hỏa Lò. Các nhân chứng có nhiệm vụ áp giảI 6 ngườI nàykể lạI rằng khi về đến Hà NộI thì tất cả vẫn sống nhưng đến khi chính quyền Hà NộI đưa ra tòa xét xử thì chỉ còn 3 người là các anh Phan Thanh Vân, Đinh Như Khoa và Phạm Văn Đăng, Anh Trần Minh Tâm mất ngày 4/7/1961. Nguyễn Văn Tiết ngày 2/8 và anh Trần Phúc Lộc ngày 28/11. Tất cả đều chết tạI bệnh viện 108 Hà Nội. Và cả ba đã được Hà NộI chôn cất có mộ bia tử tế !

Sở dĩ ba người này được chôn cất đàng hoàng là vì đây là lần đầu tiên một phi cơ thả biệt kích của miền Nam ra Bắc bị rớt nên CS Hà NộI muốn làm lớn chuyện để công bố cho quốc tế biết. Và cũng chính vì thế CSBV đã “chu đáo” đến độ cho công an đưa hòm về Kim Sơn đào xác Th/u Tiêu Huỳnh Yến bỏ vào hòm rồi chôn lại !

Cũng nên biết trước phi vụ Cò Trắng này đã có nhiều toán Biệt Kích bị CSBV bắt giữ như các toán Caster, Echo, Dido . . . nhưng vì không có chứng vật là xác phi cơ nên không làm lớn chuyện và vì thế danh tính của các Biệt Kích Quân không được tiết lộ, Tất cả bị giam giữ hơn 10 năm, có người mãi đến năm 1976 mới được thả !

Lần này với vật chứng, Hà Nội đã ra sức thổi phồng vụ án, thông báo cho các giới chức ngoại giao, đưa ba người ra xét xử công khai tại Hà Nội và triển lãm các tang vật tại Ninh Bình. Vì được xét xử công khai nên các anh có án tù rõ ràng. Tr/u Phan Thanh Vân 7 năm tù. Th/s Phạm Văn Đăng 3 năm, Th/s Đinh Như Khoa 15 năm. Các anh bị giam tạI trại Bắc Bạc, Ba Vì , Sơn Tây và sau đó chuyển tớI trại Phố Lu (Lào Cai). Tới năn 1971, sau 10 năm tù vẫn còn bị giam. Tr/u Phan Thanh Vân được Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế can thiệp và đã được trả tự do sang Pháp đoàn tụ với gia đình .

Cho đến nay có nhiều giả thuyết về nguyên nhân đã khiến chiếc “Cò Trắng” bị rớt. Cùng với hồi ký của Tr/u Phan Thanh Vân “. . . máy bay tự nhiên rung, giật mạnh, không hề nghe bất kỳ tiếng súng nổ hay bất kỳ một âm thanh nào . . .” cũng như lời của các nhân chứng, dân chúng lẫn công an địa phương, thì máy bay tự nhiên bốc cháy và rớt. Tuy nhiên chính quyền CSBV thổi phồng sự việc nên đã tuyên truyền là phi cơ bị súng phòng không bắn hạ. Hiện nay họ vẫn trưng bảy các hiện vật còn xót lại của chiếc C-47 tại nhà Bảo Tàng Lịch Sử QĐND tạI Hà Nội để khoe “chiến công tưởng tượng” của họ .

Điều đáng tiếc là một vài tác giả Mỹ cũng căn cứ vào tuyên truyền của CSBV để viết rằng chiếc “Cò Trắng” đã bị phòng không BV bắn hạ.

Về nguyên nhân đã khiến phi cơ tự bốc cháy, có giả thuyết cho rằng do nội tuyến phá hoại. Khoảng cuối thập niên 1980, một tay nội tuyến VC đã kể lại trên một tờ báo trong nước rằng vào năm 1961, anh ta là lính bảo trì của Không Quân Miền Nam và đã gài “pan” vào một phi cơ chở biệt kích ra Bắc và phi cơ này đã bị rớt. (“Pan” này được gài trong bộ phận nhiên liệu của động cơ, khi vào không phận Bắc Việt, nhiên liệu rò rỉ ra ngoài cùng với sức nóng của động cơ làm phi cơ bốc cháy).

Nhưng dù sao, trước sự kiện có vô số “chiến công tưởng tượng” được thêu dệt sau khi CSBV chiếm được miền Nam, người ta cũng phải đặt dấu hỏi về “thành tích” của tay thợ máy nội tuyến này.

Về những nấm mồ của phi hành đoàn, trước hết nói về ba người bị thiệt mạng tại chỗ là: tr/u Phan Khắc Thích, Ch/u Phạm Trọng Mậu và Tr/s Nguyễn Văn Nở. Ngày ấy tất cả được chôn vội vã gần chỗ máy bay rơi, không xác nào có hòm.

Tới năm 1980, một người dân khi đào ao đã đào được một hài cốt còn nguyên vẹn, mặc áo màu đen, trên vai áo có phù hiệu. Cha xứ nhà thờ Kim Sơn cho bốc hài cốt đem về nhà thờ dự định đưa vào miền Nam cải táng nhưng bị công an xã giữ lại và cho chôn tại nghĩa địa xã. Người giáo dân trực tiếp bốc mộ bị công an giam giữ hơn ba tháng. Riêng cha xứ sau này vào miền Nam sống tại nhà thờ Phát Diệm ,Sài Gòn.

Phối hợp với lời kể của nhân chứng năm 1961 và sự mô tả của chủ nhà, tức người đào ao sau này , người ta tin rằng hài cốt nói trên là của Tr/s Nguyễn Văn Nở, vì Tr/u P.K. Thích và Ch/u P.T. Mậu bị chết cháy không thể nguyên vẹn nói chi còn quần áo.

Như vậy có thể tạm thời đi đến kết luận hiện nay Cố Trung sĩ Nguyễn Văn Nở đang yên nghỉ tại Kim Sơn, Ninh Bình còn hài cốt củaTr/u Thích và Ch/u Mậu còn nằm đâu đó dưới lòng đất gần ao nói trên.

Mộ của Th/u Tiêu Huỳnh Yến, người đã chết tại trạm xá của nông trường Bình Minh được ông trùm Phạm Lâm chôn và sau đó được nhà cầm quyền Hà Nội đào lên bỏ vào hòm chôn lại, thì hiện nay vẫn được ông chăm sóc.

Hiện hài cốt cùa Thiếu úy Trần Minh Tâm đã được gia đình cảI táng đem vào miền Nam chỉ còn lại mộ của hai biệt kích quân với trên tuổi được ghi trên bia mộ :Thượng sĩ Trần Phúc Lộc và Trung sĩ Nguyễn Văn Tiết .

Mộ của Biệt Kích Quân Trung sĩ Nguyễn Văn Tiết (ành từ LTUC)


Mộ của Biệt Kích Quân Thượng sĩ Trần Phúc Lộc (ành từ LTUC)

Trong số thân nhân của phi hành đoàn “Cò Trắng”, một số may mắn được biết về việc được Bộ Quốc Phòng Mỹ “bồi thường” đã làm thủ tục hưởng quyền lợi . Tuy nhiên đa số đã thất tung, và cho tớI nay (2007) các cá nhân cũng như các hội đoàn Không Quân không có một manh mối nào để có thể liên lạc vớI những người thân nhằm giúp đỡ hướng dẫn làm thủ tục .

Thay lời kết chúng tôi hy vọng, dù rất mong manh,sẽ có chiến hữu hay vị độc giả nào biết được, hoặc mai này có tìm ra tông tích gia đình ,thân nhân của phi hành đoàn “Cò Trắng” và các chiến sĩ Biệt Kích tham gia phi vụ, để thông báo về tình trạng những ngôi mộ của người thân, cũng như những quyền lợi mà họ phảI được hưởng do công lao xương máu mà người thân đã bỏ ra cho đất nước và đã nằm xuống cách nay nửa thế kỷ !

Trong trường hợp sự việc tốt đẹp ấy xảy ra, tòa soạn Lý Tưởng Úc Châu sẽ cung cấp chi tiết để tìm mộ, những chi tiết không tiện phổ biến ngoài người thân của những Tử Sĩ Vị Quốc Vong Thân .

Melbourne, tháng 12/2006
Ban biên tập Lý tưởng Úc Châu
P.O Box 97 Springvale Victoria 3171

Tài liệu viết thêm

Theo hồi ức của Trung tá KQ N.U., trước phi vụ của Cò Trắng của Tr/u Phan Thanh Vân đã có một chiếc C-47 cũng thi hành nhiệm vụ thả Biệt Kích quân và đã mất tích trên không phận Bắc Việt.

Ngoài ra còn có một chiếc C-123 trong khi bay đêm thực tập thả Biệt Kích tạI núi Sơn Trà gần Đà Nẵng đã bị tai nạn toàn bộ phi hành đoàn hy sinh. Trong chuyến bay này ngoài phi hành đoàn VN còn một huấn luyện viên Hoa Kỳ.

Sau tai nạn này Hoa Kỳ đã thuê mướn các phi hành đoàn Trung Hoa (Đài Loan) để thực hiện các chuyến bay thâm nhập lãnh thổ Bắc Việt.


Những chiến sĩ Biệt kích quân Lôi Hổ với những phi vụ nhảy toán thường ra đi không hẹn ngày về

Theo cuốn ” Spies and Commandos” của hai tác giả Kenneth Comboy và Dale Andradé (do sưu tầm viên Phạm Anh Tài cung cấp), ngày ấy chỉ có độc nhất một chiếc C-47 Cò Trắng và mang ngụy danh là “Vietnamese Air Transport” gọI tắt VIAT, lúc đó do Thiếu Tá Nguyễn cao Kỳ chỉ huy và có khoảng 20 phi công tình nguyện thi hành những phi vụ này dưới mật danh “Haylift”.

Mặc dù là các phi công dày dạn kinh nghiệm trong các phi vụ chuyển vận thông thường, nhưng khi bay ra phía Bắchọ cần phảI được hướng dẫn thêm. BởI khi bay ra Bắc, phi hành đoàn sẽ phảI bay những phi vụ kéo dài tưởng như vô tận, bay ở cao độ thấp đến địa điểm thả biệt kích mà không hề được trang bị các phi cụ hiện đại. Đó là chưa kể yếu tố thời tiết xấu vào những mùa mưa lớn, dầm dề miền Bắc trên những địa hình núi non hiểm trở mịt mùng sương mù đã là những phi trình nguy hiểm và tồi tệ nhất trên thế giới .

Vẫn theo hai tác giả này, phi vụ Cò Trắng nói trên có nhiệm vụ thả đồ tiếp tế cho toán Castor đã được thả xuống Bắc Việt một tháng trước đó. Trung úy Phan Thanh Vân cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất lúc xế chiều, sau khi tiếp tế thêm nhiên liệu tại phi trường Đà Nẵng, phi cơ trực chỉ ra Bắc. Không hành thì chỉ nhìn qua cửa sổ bay theo địa hình địa vật dưới đất (không có sóng vô tuyến hướng dẫn từ nơi sẽ tới như các chuyến bay thông thường) chong mắt nhìn xuyên qua các rừng núi chập chùng để nhận tìm bãi thả hàng mà toán Caster đánh dấu, phi trình này trước đây đã được sử dụng để thả các toán Castor và Dido.

Thật sự thì toán Biệt Kích quân này đã rơi vào tay giặc, và người trưởng toán đã bị ép buộc gởi tín hiệu về BUGS, một trạm tiếp vận truyền tin ở Phi Luật Tân để báo tin toán vẫn an toàn và cần được tiếp tế tại một địa điểm do họ chỉ định. Bốn ngày sau khi liên lạc, chiếc Cò Trắng lên đường thi hành nhiệm vụ và đã rơi vào bẫy địch. CSBV đã bố trí súng phòng không tạI đảo Hòn Me cách đất liền 6 cây số ngoài bờ biển Ninh Bình. Kết quả phi cơ bị bắn trúng phần đuôi bốc cháy và rơi trong đất liền khoảng 20 cây số.

Ở đây chúng tôi không bàn cãi về việc vào năm 1961 có một hay hai chiếc C-47 được sử dụng cho các phi vụ “Cò Trắng” (bởi có thể hai tác giả Kenneth Comboy và Dale Andradé chỉ căn cứ trên lập luận lúc nào cũng chỉ có một chiếc “Cò Trắng” duy nhất sẵn sàng để sử dụng), cũng không bình luận về sự việc toán Biệt Kích quân bị CSBV ép buộc hợp tác mà chỉ nói về mâu thuẫn, vô lý liên quan đến việc phi cơ bị rớt.

Tất cả các nhân chứng (dân làng ,các công an du kích xã về hưu) đều kể lại rằng họ không hề nghe bất kỳ tiếng nổ mà chỉ thấy phi cơ tự bốc cháy và đang bay theo hướng từ đất liền ra biển.

Nếu quả thực phi cơ bị “ . . . bắn nát phần đuôi, bốc cháy và rơi xuống đất . . .” như cuốn Spies and Commandos đã viết thì chắc chắn tất cả mọi ngườI trên phi cơ đã phải chết tan xác chứ không chỉ 3 người chết tại nơi phi cơ rớt ! Bên cạnh đó, nếu phi cơ rớt ở đất liền “cách bờ biển khoảng 20 cây số” như sách mô tả thì làm sao một người còn tương đối khỏe sử dụng thuyền cao su bơi trốn và bị bắt lại theo như lời kể của trùm họ đạo Kim Sơn ?!

Thành thử chúng tôi cũng xin phép được lưu ý quý độc giả một điều: Không phải bất cứ cuốn sách nào của “thế giớI tự do” viết về chiến tranh Việt Nam cũng chính xác và đều đáng tin, nhất là những cuốn viết trong những năm sau này, thường tham khảo và trích dẫn tài liệu, sử dụng dữ kiện tùy tiện không suy xét của phía CSVN.

Mà tài liệu, dữ kiện của CSVN chính xác tới mức nào ? chúng ta chỉ cần nhớ lại trong thời gian cao điểm của các cuộc oanh tạc Bắc Việt, tổng số máy bay của “đế quốc” Mỹ bị bắn hạ trong một ngày. được loan truyền trên đài phát thanh nhà nước và các báo cáo của đảng thường nhiều hơn tổng số phi cơ Mỹ tham dự các cuộc không kích ngày hôm đó !

Sự việc lố bịch này sau khi được tạm thời “cởi trói” vào năm 1986, chính một số nhà văn miền Bắc đã đem ra giễu cợt.

Từ tập san Lý Tưởng số 22 Xuân Đinh Hợi 2007
Liên Hội Ái Hữu KQVN Úc Châu