Wednesday, January 27, 2010

Vụ chiếc UH-1 bị đánh cắp tại Ðà Lạt 1973


Hồ Duy Hùng là ai?


Thiên Ân.

Vụ chiếc trực thăng UH-1H mang số 60-139 của Phi đoàn 219 bị đánh cắp tại Ðà Lạt năm 1973, trong Không Quân hầu như mọi người đều biết và dân chúng Sàigòn cũng được đọc tin tức trên báo chí thời đó.


Kẻ đánh cắp chiếc trực thăng nói trên là Hồ Duy Hùng, cựu Thiếu Uý Không Quân VNCH, sau khi thụ huấn ở Hoa Kỳ trở về, bị An Ninh KQ khám phá có thân nhân đi theo địch nên tên Hùng đã bị sa thải khỏi Quân Ðội. Sau này, bộ máy tuyên truyền của Việt cộng nói rằng Hùng là người của chúng được gài vào Không Quân VNCH để làm nội tuyến. Tuy nhiên đã có nhiều yếu tố khách quan cho thấy thoạt tiên Hùng chỉ là một tay bất mãn, đánh cắp máy bay để trả thù việc mình bị sa thải khỏi Quân Ðội, để rồi mãi về sau này trở thành một người hùng bất đắc dĩ của "Cách mạng"!


Ðể chứng minh cho lập luận nói trên, thiết nghĩ chúng tôi chỉ cần nêu ra hai sự kiện:
*Sự tuyên dương muộn màng:
Khác với Nguyễn Thành Trung - kẻ đã lái F-5 dội bom xuống Dinh Ðộc Lập, cũng như rất nhiều tên nội tuyến, nằm vùng khác đã được tô son trét phấn để tuyên dương sau ngày "Cách mạng thành công", Hồ Duy Hùng cho mãi đến năm 2000 mới được báo chí "quốc doanh" ở Sàigòn đề cập tới: Bán Nguyệt San Thanh Niên với bài: "Người hùng lặng lẽ", tờ Phụ Nữ Chủ Nhật với bài: "Vụ đánh cắp chiếc trực thăng UH-1...", và bài "Từ vụ án chiếc trực thăng UH-1" kéo dài 12 ngày trên một tờ báo nọ.


Nếu không kể tới những chi tiết "chửi cha nhau" trong ba bài báo nói trên, thì độc giả được biết đại khái (theo lời kể của Ðại tá Quân báo VC Lê Nam Hà và được phóng viên "xào nấu" laị) thì Hồ Duy Hùng (bí danh là Chính), trước kia hoạt động trong phong trào sinh viên học sinh tại Quy Nhơn, sau Mậu Thân 1968 vào Sàigòn và được Việt cộng móc nối kết nạp vào "Quân báo đặc khu Sàigòn-Gia Ðịnh".


Sau khi đánh cắp chiếc trực thăng bay về "mật khu", Hùng và Nguyễn Tường Long, một cán bộ Không Quân VC được gửi tới để tháo gỡ chiếc trực thăng chuyển ra miền Bắc. Tại Sơn Tây hai người này ráp trở lại và bay thử thành công. Sau đó cả hai trở lại miền Nam hoạt động, còn chiếc trực thăng thì được xử dụng trong viện huấn luyện phi công Bắc Việt.
Nguyễn Tường Long, nguyên là một kỹ sư gốc Việt kiều (cha Việt, mẹ Pháp) ở Lyon - Pháp; sau tình nguyện về nước tham gia "Cách mạng". Ðiều đáng lưu ý là khi các báo nói trên đồng loạt khai thác vụ "đánh cắp trực thăng" này thì Nguyễn Tường Long đã chết. Từ đó đưa câu hỏi: phải chăng vì "chiến sĩ quân báo Hồ Duy Hùng" chỉ là câu chuyện bịa đặt cho nên phải đợi tới lúc một trong hai vai chính về chầu "bác" thì mới dám "phịa"?


Hỏi tức là trả lời. Và chỉ có câu trả lời đó mới có thể giải thích tại sao sau ngày 30/4/1975, CSVN không rầm rộ tuyên dương "người hùng" Hồ Duy Hùng mà phải đợi đến 15 năm sau? Xét về công trạng, việc "đánh cắp một chiếc trực thăng ngay trước mũi địch rồi chuyển ra miền Bắc" (nguyên văn trên báo VC) của Hồ Duy Hùng nếu không hơn thì cũng phải bằng vụ dội bom Dinh Ðộc Lập của Nguyễn Thành Trung!


Hiện nay "đồng chí" Hồ Duy Hùng đang giữ một chức vụ khiêm nhượng: Giám Ðốc Công Ty Du Lịch Phú Thọ!

*Bị phòng không Việt Cộng bắn:
Theo lời kể của Ðại tá Quân báo VC Lê Nam Hà thì việc Hồ Duy Hùng đánh cắp trực thăng bay về đáp ở đồn điền cao su Dầu Tiếng, thuộc mật khu Lộc Ninh là "nằm trong kế hoạch", và các đơn vị địa phương đã được Bộ chỉ huy Miền thông báo trước để chuẩn bị đón "người chiến sĩ phi công anh hùng". Thế nhưng trên thực tế thì...


"Thấy máy bay địch bay về căn cứ của ta, các chiến sĩ giải phóng bắn lên. Máy bay bị trúng nhiều vết đạn nhưng ghế ngồi của phi công có tấm chắn phòng đạn nên ông Hồ Duy Hùng không bị thương. Ông hạ thấp độ bay phòng đạn và đã đáp xuống rất chính xác trong một bãi không rộng lắm dưới rừng cao su." (Nguyên văn trên báo Thanh Niên).
Theo báo Phụ Nữ Chủ Nhật thì lúc đó Hùng liên lạc với điện đài đơn vị (của VC) không được là vì "đồng chí trực điện đài đột ngột bỏ đi uống nước"!!!


Tác giả hai bài báo nói trên - Mạc Ðại và Nguyễn Phương Thảo - cho biết họ viết " theo lời kể của Ðại tá Nguyễn Nam Hà - nguyên phó giám đốc Quân báo Sàigòn & Gia Ðịnh và đồng chí Hồ Duy Hùng tức Chính", nhưng giữa hai bài báo đã có nhiều chi tiết mâu thuẫn tới mức không thể chấp nhận. Chẳng hạn, trong khi Mạc Ðại của báo Thanh Niên viết rằng chiếc UH-1 nói bị trúng đạn, sau khi được tháo gỡ, vận chuyển ra phi trường Hòa Lạc ở Sơn Tây (miền Bắc) thì "Từ Hà Nội, Trung đoàn Không Quân Vận Tải đã phải điều tới một xe công trình có đủ phương tiện sửa chữa và một toán cơ khí...", thì Nguyễn Phương Thảo của báo Phụ Nữ lại viết "... Sau khi kiểm tra chiếc máy bay, Ban Quân Báo tiếp tục phân công Chính (H.D.Hùng) nhiệm vụ mới là dùng máy bay mang bom thả vào Dinh Ðộc Lập đúng vào 9 giờ sáng ngày 1 tháng 1 năm 1974 là ngày mà Thiệu và nội các tụ tập đón mừng năm mới. Bom đã được đặt làm, Chính cũng đã chuẩn bị các phương tiện kỹ thuật để thực hiện nhiệm vụ. Nhưng đến giờ phút chót, cấp trên đề nghị hủy bỏ kế hoạch này và thay vào đó là một nhiệm vụ khác" (tháo gỡ để mang về Bắc).


Việc để "mất cắp" một chiếc phi cơ để cuối cùng lọt vào tay địch là một việc đáng trách - và rất đáng buồn khi người chịu trách nhiệm lại là một trong những cấp chỉ huy đáng kính phục nhất là trong ngành trực thăng - Cố Trung Tá Nguyễn Văn Nghĩa. Tuy nhiên Lý Tưởng Úc Châu nhắc lại chuyện cũ không với mục đích chê trách người đã khuất mà chỉ để mọi người được biết rõ về một biến cố trong quân chủng (cũng như số phận của chiếc trực thăng mang số đuôi 60-139) - hiện đang được các nhà báo của chế độ CSVN thêu dệt và khai thác - một cách trâng tráo và rẻ tiền.
Tiếp theo chúng tôi xin giới thiệu tới chiến hữu KQ và độc giả bài tường thuật của một người trong cuộc, đó là anh cơ phi (cơ khí phi hành) của chiếc trực thăng ttrong phi vụ nói trên.

* * *

Vụ mất máy bay trực thăng UH-1 số 60139 - Ngày 7 tháng 11 năm 1973

Sáng sớm ngày 6 tháng 11 năm 1973, Thiếu Tá Huỳnh Xuân Thu gặp tôi và nói "Chú về sửa soạn đi bay Quảng Ðức ngay, nhớ mang theo đồ ngủ đêm". Tôi chộp vội bộ đồ nhái, cái mền dù và trang bị vệ sinh cá nhân cùng một bộ Domino, sau đó tôi theo Anh Thu và Trung Tá Nguyễn Văn Nghiã (Phi đoàn trưởng) ra kiểm tàu số đuôi139 để bay đi Quảng Ðức thăm biệt đội đang biệt phái tại đây.


Khi đến nơi, Chi khu trưởng thuộc tiểu Khu Phú Bổn tiếp đón rất niềm nở, phòng nghỉ của biệt đội và chi khu gần nhau nhưng lại xa sân bay: từ sân bay qua một con phố, xuống dốc rồi lại vòng lên nơi nghỉ ngơi của Biệt Ðội 219. Khí hậu ở đây ban ngày thì rất nóng nực nhưng ban đêm lại lạnh vô cùng vì chung quanh toàn là núi đá.
Anh Nghiã và Anh Thu đi thăm từng nơi ở và làm việc của Biệt Ðội, hỏi thăm tình hình cuộc sống ăn ở của anh em, sau đó anh muốn ở lại đêm để khích lệ tinh thần anh em. Chiều xuống, cái giá lạnh bắt đầu và rất buồn tẻ. Phố xá không có sự nhộn nhịp, người ta tụ tập ở nhà không muốn ra ngoài đường và trời càng lúc càng tối chỉ leo lét những bóng đèn vàng ố không đủ thắp sáng một căn phòng, vì vậy anh em biệt đội chỉ ngồi bù khú trong giây lát rồi tất cả đi ngủ. Nơi đây không có gường, chỉ có ghế bố xếp nhà binh và có đôi khi anh em phải ngủ chung một ghế bố vì không có đủ; cũng may vì trời lạnh nên ngủ chung cũng không đến nỗi khó chịu.


Khoảng 10 giờ đêm, khi mọi người đã ngủ thì Chi Khu xuống báo địch quân hăm đánh vào chi khu và sân bay. Thế là toàn bộ anh em ra ứng chiến tại sân bay. Tất cả mở máy kiểm tra tình trạng phi cơ rồi tắt máy nghe Trung Tá Nghiã hướng dẫn bản đồ và phương hướng bay trong trường hợp chi khu bị overrun, sau đó ai nấy về tàu. Còn lại ba thầy trò chúng tôi trong tàu và một phi công nữa tôi quên tên ngồi chơi Domino, cứ chơi như vậy cho đến sáng. Ban đầu thì tôi thắng nhưng đến gần sáng thì Anh Nghiã gom sạch.


Sáng sớm hôm sau chúng tôi bay trở về Nha Trang, bay một đoạn Anh Nghiã nói " Thu, chú bay thử vào đám mây kia xem". Anh Thu bay vào khoảng 5 phút, Anh Nghiã bay ra lại và nói "Chú không chịu khó bay instrument, bay gì mà kỳ dzậy?". Rồi Anh Nghiã lại nói Anh Thu bay vào trong mây, rồi Anh Nghiã lại bay ra, mây mỏng cứ lấp phất lướt qua phi cơ. Sau đó Anh Nghiã lại nói Anh Thu bay vào cụm mây dầy kia thử xem, rồi càng lúc máy bay càng vào sâu trong mây, mây mỗi lúc một sậm lại, lúc này Anh Nghiã cầm control và anh nói huyên thuyên đủ thứ chuyện trên đời. Anh hỏi tôi:"Mẫn, chú thấy mây thế nào, mây màu gì kia?". Tôi lưỡng lự nhìn vào mây trước mặt và nói "Tôi thấy mây màu Hồng Trung Tá!". Anh Nghiã phá lên cười "Trời ơi! Thằng này Vertical quá rồi (ý nói Vertigo), cho chú cầm cần lái chắc chết hết anh em". Rồi anh quay sang Anh Thu cũng hỏi mây màu gì và anh cứ nói, chỉ dạy lung tung trong khi anh cứ tiếp tục bay trong mây, 15, 20, rồi 30 phút, anh vẫn bình tĩnh bay, phi cơ êm ru.


Gần một tiếng đồng hồ sau, Anh Nghiã thấy cây lờ mờ phía dưới, hỏi Anh Thu "Chú biết mình bay tới đâu rồi không?", Anh Thu chưa kịp đáp thì Anh Nghiã đã chỉ con đường ở phiá dưới nói là Ðơn Dương. Anh theo con đường đó bay đến Ðà Lạt với ý định thăm một nhân viên phi hành của 219 đang nghỉ dưỡng thương tại đây. Lúc 9 giờ sáng, phi cơ đáp xuống bờ hồ Xuân Hương bên cạnh nhà hàng Thủy Tạ, tôi cất hành trang của tôi vào sau tail cone, ngay chỗ oil cooler fan. Sau đó ba thầy trò đi vào tiểu khu Tuyên Ðức nhờ gởi phi cơ nhưng không gặp ALO, đại diện không quân ở đó, định bay vào sân bay Cam Ly nhưng từ đó lại không có phương tiện ra thành phố, hơn nữa lúc đó thời tiết quá xấu, bay vào đáp ở trung tâm Ðà Lạt là đã giỏi lắm rồi. Chúng tôi trở lại máy bay, ssau đó Anh Nghiã rủ lên nhà hàng Mekong uống cà phê và ăn sáng. Tôi xin Anh Nghiã cho về nhà vì nhà Bác tôi ở đối diện với cửa sau bên hông nhà hàng Mékong, thấy ngay sát bên, Anh Nghiã đồng ý cho tôi về nhà, hẹn khi nào về thì hai anh sẽ đến gọi.


Tôi ở nhà chơi và chờ các anh gọi bay về Nha Trang, nhưng mãi đến 1 giờ rưỡi trưa vẫn không thấy các anh đến gọi. Tôi chạy sang nhà hàng Mékong thì không thấy các anh đâu, Sau đó tôi nhờ Bác tôi chở ra nhà hàng Thủy Tạ chỗ đậu phi cơ, khi ra đến nơi thì không thấy phi cơ đâu cả, chạy qua sân vận động gần đó cũng không thấy. Tôi nghĩ chắc Anh Nghiã và Anh Thu đã bay về Nha Trang mà quên gọi tôi rồi, hay là không lẽ Trung Tá lại đến nhà Thượng Sĩ gọi đi bay?... Các câu hỏi chỉ quanh quẩn vào những điều vô lý đó, và tôi lại lo thêm nữa là khi Anh Nghiã và Anh Thu bay về thì đồ đạc của tôi dấu vào sau chỗ oil cooler fan lỡ cái mền dù hay bộ đồ nhái nó rơi ra và bị hút vào trong cánh quạt của oil cooler thì khổ! Rồi thắc mắc và lo âu cứ như thế dồn dập, rồi cái túi đựng helmet đã kép phẹc-mơ-tuya chưa?...Thật tình lúc đó tôi rất lo sợ, không sợ Anh Nghiã la rầy mà sợ lỡ phi cơ có bị gì thì sao? Hai anh có sao không?.


Tôi quay ngay ra bến xe đò mua vé trở về Nha Trang, dọc đường tôi rất lo lắng và mệt mỏi, rồi gục trên ghế trước ngủ thiếp đi, lát sau giật mình thấy có người nắm tay tôi, tỉnh lại thấy tay mình để trên đùi cô gái ngồi bên cạnh, cô cầm tay tôi để nhẹ qua đùi tôi. Tôi quê quá, vội vàng xin lỗi cô, cô nói thấy tôi có vẻ bồn chồn lo lắng. Cô gái cởi mở và thật có duyên với đôi răng khểnh dễ thương. Tôi quên hết mọ bồn chồn lo lắng, bắt đầu tấn công cô gái, suốt chặng đường chúng tôi đã quen nhau, khi về đến Nha Trang chúng tôi cùng đi ăn và Hường tên cô bé, đã cho tôi địa chỉ hẹn ngày hơm sau tôi sẽ đến tìm.


Khi về đến trại Hàm Tử khu gia binh của phi đoàn 219, lúc đó khoảng 7 giờ rưỡi tối, Hồng "già" chặn tôi lại hỏi: "Mày có biết gì không? Mày bay của mày bị mất cắp rồi", tôi chỉ cười vì cho đây là lời đùa, và như vậy là Anh Nghiã, Anh Thu đã về rồi, tôi thấy yên trí hơn. Sau đó tôi gặp Trần Mạnh Khiêm, nó nói: "Mày về phi đoàn đi, máy bay bị mất rồi, để tao chở mày vô!". Mọi người đều nói một cách nghiêm trang như vậy nghiã là có thật. Lúc này tôi không còn hoang mang nữa, chẳng hiểu vì sao, không thấy sợ, không thấy lo nghĩ, cứ dửng dưng như không có chuyện gì cả. Có lẽ vì mấy chữ "mất máy bay" hay "mấy cắp máy bay" nó không có trong tự điển lưu trữ trong đầu tôi, thành ra đầu tôi cứ trống rỗng. Cũng có thể chỉ số thông minh của tôi thấp, không biết suy nghĩ và không biết phản ứng như thế nào, hoặc vì tôi mệt lả cả người?...


Vừa về tới cửa phòng trong trại Bắc Bình Vương định lấy chìa khoá mở cửa phòng thì có hai Trung Sĩ Không Quân ngồi trên xe Ford Pick-up chờ sẵn ở đó, họ lại chào và hỏi tôi:"Xin lỗi có phải Thượng Sĩ Mẫn không ạ?". Tôi trả lời ngay: :"Vâng, tôi đây". Một trong hai người nói:"Chúng tôi mời Th/sĩ lên Phòng An Ninh có việc cần". Tôi trả lời:"Tôi vừa mới về, các anh có thể cho tôi tắm một cái rồi tôi lên ngay". Nhân viên an ninh trả lời:"Không có gì đâu, Th/Sĩ lên một chút xíu rồi về tắm cũng được mà". Mặc dù mệt mỏi tôi cũng phải lên Phòng An Ninh, việc đầu tiên là họ phủ đầu tôi trước, đưa tôi vào căn phòng 12 mét vuông, cửa sổ bị đóng bít lại bằng ván ép dằn từ phía bên ngoài, không có đèn điện.


Một lát sau họ quăng vào một cái chiếu đơn và 4 cây đèn cầy của em bé đốt đèn Trung Thu, rồi khoảng 15 phút sau, họ đứng bên ngoài quăng vào cái bô nhôm, nghe một cái cảng, và cứ 15 phút họ lại mở cửa rọi đèn bin vào xem tôi có tự tử hay không?. Khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ sau thì vị Ðại Úy An Ninh tôi quên mất tên, cho gọi tôi lên, lúc này khoảng 10 giờ đêm. Thấy điệu bộ của vị Ðại úy An Ninh, tôi hiểu ngay rằng nãy giờ họ làm như vậy là để hù họa tôi và cũng để câu giờ chờ sĩ quan đến thẩm vấn tôi.


Vị Ðại Úy nói:"Tôi biết Th/Sĩ chỉ là tép riu thôi, như vậy không có gì phải sợ, Th/Sĩ cứ trình bày mày bay rời Nha Trang lúc mấy giờ và đến Quảng Ðức làm gì, sau đó mấy giờ cất cánh và xuống Ðà Lạt lúc mấy giờ, và gặp ai, trông thấy ai, rồi đi về hướng nào, và cứ như thế cho đến khi Th/Sĩ khám phá ra mất máy bay". Rồi ông ta đưa cho tôi một xấp giấy bơ-luya và một cây bút bi, tôi cứ hí hoáy viết và kể lại toàn bộ những gì tôi biết được, theo dàn bài và cách thức sắp xếp của ông Ðại Úy đưa ra. Xong, vị Ðại Úy đọc lại rất cẩn thận, rồi đọc lại cho tôi nghe, sau đó nói là sai chưa đúng, bắt tôi khai lại và ông cất tờ kia đi. Cứ như thê nhiều lần... Cho đến 2, 3 giờ sáng, tay tôi cứng lại không còn viết được nữa, vị Ðại Úy mới cho tôi nghỉ và đưa về phòng giam.


Về phần Anh Nghiã và Anh Thu khi đến nhà Bác tôi gọi tôi đi về thì Bác tôi mới nói:"Nó ra chỗ đậu máy bay không thấy máy bay đâu cả, nó sợ các ông bỏ nó nên nó lên xe đò về Nha Trang rồi". Lúc đó hai anh mới hết hồn, nhờ Bác tôi lấy xe LaDaLat chở vô phi trường Cam Ly vẫn không thấy, sau Bác tôi đưa về Tiểu Khu Tuyên Ðức dò hỏi vẫn không ra, cuối cùng hai anh quyết định trình diện Tiểu Khu báo cáo sự việc và nơi đây Phòng An Ninh của Tiểu Khu đưa hai anh về Phòng An Ninh Không Quân Nha Trang ngày 8 tháng 11 năm 1973. Tại Nha Trang hai anh không bị giam giữ, hai anh ở nhà và nhân viên điều tra đến tận nhà làm việc.


Tôi bị giam như vậy lúc đầu tưởng về ngay nên tôi chỉ nhờ bạn đưa vào cái dù thả trái sáng để làm mùng, nhưng rồi vừa nóng vừa ngộp, tôi cứ lấy thuốc là châm thủng từ từ, lúc đầu lỗ nhỏ và ít, sau đó lỗ to và nhiều hơn, cuối cùng thì nó cũng như không vì chỗ nào cũng có muỗi. Còn ăn uống thì mỗi bữa nhờ nhân viên an ninh mua dùm ổ bánh mì và một bịch nước mía, còn bạn thì chẳng thấy ma nào dám bén mảng đến nữa, có lẽ họ sợ liên lụy chăng hay là Phòng An Ninh không cho thăm viếng?


Ăn bánh mì mãi không thể nuốt nổi, mà Phòng An Ninh không có quy chế ăn uống. Tôi phải tự túc mua ở ngoài, tưởng hết chịu nổi thì sau một tuần lễ, họ lại mời Thiếu Tá Thu vào ở chung với tôi, lúc đó họ mới cho khiêng hai cái gường sắt rồi đóng cửa lại. Lát sau, vị Ðại úy điều tra tôi vào xin lỗi:" Thiếu Tá thông cảm, tôi phải đóng cửa lại", Anh Thu tức giận:"Thiếu Tá cái gì, tao là thằng tù!", Ðại Úy An Ninh trả lời:"Lệnh trên chứ tôi đâu dám...", Anh Thu tức giận nhảy chồm tới:"Tao là thằng tù...", vị Ðại Úy nhảy vội ra ngoài và từ đó ngày đêm không đóng cửa nữa.


Rồi mỗi bữa Chị Thu mang vào hai phần cơm cho Anh Thu và cả cho tôi nữa, Chị còn làm một lon ghi-gô đậu phộng da cá cho Anh Thu nhưng anh không thích ăn nên giao cho tôi "xử lý" nó. Hai thầy trò được tự do đi lại, hay là ra ngoài sân hóng mát khi thoải mái.


Sau khi đối chiếu tất cả những lời khai của Anh Nghiã, Anh Thu và tôi, Phòng An Ninh Không Quân chuyển hồ sơ về Bộ Tư Lệnh Không Quân cho Trung Tướng Trần Văn Minh duyệt xét, sau đó chuyển lên cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, xem xong Tổng Thống bác lời khai của chúng tôi. Thế là thấy trò chúng tôi phải khai lại, và cứ như thế khai đi khai lại cho đến lần thứ ba, Trung Tướng Trần Văn Minh tuyên bố ông đã duyệt xét theo hệ thống quân giai, nếu Tổng Thống còn bác nữa tức là không tín nhiệm ông sẽ từ chức, đồng thời Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình cũng can thiệp yêu cầu Tổng Thống xét lại, cho tới lúc đó ông Thiệu mới chịu duyệt.


Hết tuần lễ thứ hai, họ đưa Anh Nghiã lên Phòng An Ninh làm thủ tục, xong xuôi họ giải cả ba thầy trò chúng tôi ra Ðại Ðội 24 Quân Cảnh Tư Pháp Nha Trang.


Cơ sở của Quân Cảnh Tư Pháp Nha Trang là một dãy nhà cất theo kiểu dã chiến của Pháp, các phòng làm việc thì bừa bộn, thiếu tiện nghi, hồ sơ để lung tung, nhưng cách làm việc có vẻ chuyên môn hơn Phòng An Ninh KQ Nha Trang. Khi chúng tôi đến nơi, một vị Ðại Úy chấp pháp lấy cung chúng tôi từng người một, và không như trong An Ninh KQ, ở đây họ hỏi theo thứ tự lớp lang và họ ghi chép lấy chứ không để chúng tôi tự ghi chép.


Anh Nghiã vào làm việc trước, sau đó đến Anh Thuột dãy nhà cất theo kiểu dacu sơ Trang 24 Quân Cảnh Tư Pha. cuối cùng mới đến tôi. Sau khi Anh Nghiã ra, Anh Thu vào làm việc. Vị Ðại Úy chấp pháp lấy cung rất là lâu nên tôi có hơi bồn chồn, và có vẻ buồn buồn ưu tư. Anh Nghiã thấy vậy nói:"Này cái thằng chết nhát, có ai khai cho chú đâu mà cái vẻ mặt lo lắng, lo sợ vậy hả?... Xem anh đây này, sự nghiệp, địa vị, danh vọng, vợ con... mất hết mà anh có lo lắng điều gì đâu, sự việc đã xảy ra rồi thì điều gì đến nó sẽ đến, có lo lắng cách nào thì nó cũng phải đến vậy thôi..."


Rồi việc lấy cung của chúng tôi cũng kéo dài đến chiều, xong họ sắp xếp chỗ nghỉ ngơi cho chúng tôi. Vì ở đây chỉ có phòng tạm giam, mà phòng tạm giam thì toàn là lính "trời ơi" không thôi, nào là xì-ke, ăn cắp, hiếp dâm, đào ngũ, đánh lộn .v..v.., mà phòng thì chỉ là cái cũi làm bằng vỉ sắt phi trường, chung quanh trống trơn, mái cũng bằng vỉ sắt, nếu mưa thì chịu trận vậy thôi. Vì không có chỗ giam riêng chúng tôi nên buộc lòng họ phải nhường ba cái gường sắt của họ cho ba thầy trò chúng tôi nằm, còn họ nằm dưới đất. Sau năm ngày đúc kết hồ sơ thụ lý của chúng tôi, họ đưa Anh Nghiã vô Quân lao còn Anh Thu và tôi được cho về. Lúc này tôi mới nhớ tới cô bé tên Hường mà tôi mới chỉ nắm tay được trước đó 20 ngày. Tôi lục tìm địa chỉ mà em cho tôi, nó thất lạc mất rồi, tôi tiếc ngẩn người, đã hụt mất một nàng thật dễ mến và đáng yêu.


Vài ngày sau, tôi vào Quân Lao Nha Trang thăm Anh Nghiã. Trông thấy tôi, anh nói đùa:"Cái thằng chết nhát, mày vô đây làm gì, họ bắt nhốt mày bây giờ". Tư cách của anh thật ung dung. Tôi đưa cho anh quyển "Papillon" (Người tù khổ sai), anh phì cười khi thấy tựa cuốn truyện. Và anh kể cho tôi biết ngày anh vô đây, gặp một tên "Ðại bàng" trong tù, khi hắn ta biết anh là phi đoàn trưởng phi đoàn 219, hắn kính phục anh ngay, vì hắn cũng là một quân nhân, đã từng nghe những huyền thoại về 219. Ngoài đời hắn là một tay anh chị khét tiếng ở Nha Trang, và hắn đã có lần đụng độ với những tay lì lợm của 219 vào những năm 1968-69, khi phi đoàn chưa dời về Nha Trang (hình như hắn là kẻ đã chém lầm vào tay anh Châu Lương Cang tại Bar số 1). Gặp Anh Nghiã hắn nể phục ngay và ra lệnh cho đàn em phục vụ Anh Nghiã mọi nhu cầu. Hắn tuyên bố với các đàn em rằng Anh Nghiã là một "Ðại ca giang hồ trí thức" của hắn. Về phần Anh Nghiã, sau này cứ mỗi tháng hay vài tuần là Ðại Tá Lạc hay Chuẩn Tướng Lượng lại bảo lãnh cho về phép...


Ðến tháng 5 năm 1974,Anh Thu và tôi được Tòa Án Quân Sự Nha Trang mời ra làm việc và mọi sự lại khai lại như ban đầu. Sau đó, trong phiên tòa xử ngày 12 tháng 7, Anh Nghiã bị tuyên án "8 tháng tù ở, kể từ ngày bị bắt giam".


Phiên tòa kết thúc, mọi người chạy lại chúc mừng anh vì anh đã trong quân lao 9 tháng, quá thời gian tòa tuyên án. Từ đó anh về nhà luôn.


Trong năm 1974, không ai cắt tôi đi bay nữa, chỉ trực tại phi đoàn. Lúc này Anh Huỳnh Văn Phố lên làm quyền Phi Ðoàn Trưởng, sau hoán chuyển với phi đoàn trưởng 253 ngoài Ðà Nẵng là Thiếu Tá Phạm Ðăng Luân về làm Phi Ðoàn Trưởng 219, Anh Huỳnh Xuân Thu làm Phi Ðoàn Phó, Anh Trần Ngọc Thạnh làm Sĩ Quan Huấn Luyện, Anh Phạm Ngọc Sâm làm làm Trưởng Phòng Hành Quân. Buổi đầu, Anh Sâm cắt bay không để ý đến sự trùng hợp tên tuổi của nhân viên trong phi đoàn nên có vài việc buồn cười xảy ra như khi cắt một phi hành đoàn biệt phái đi Ban Mê Thuột, anh đã ghi trên bảng phi lệnh;"PHÐ: Bơ - Ðường - Xả -Cải" (Phan Công Bơ, Trưởng phi cơ - Lý Bổn Ðường, Hoa tiêu phó - Hồ Văn Xả, Mevo - Lê Văn Cải, Xạ thủ), thế là mọi người được một mẻ cười vì nguyên phi hành đoàn toàn đồ ăn, không sợ đói. Sau anh cắt một phi hành đoàn cũng bay đi Ban Mê Thuột, sáng ra các anh thấy tên của phi hành đoàn này thì đều rụng rời tay chân: "Kiệt - Lực - Quan - Tài" (Võ Tấn Kiệt, TPC - Nguyễn Hùng Lực, HTP - Nguyễn Văn Quan, Mevo - Nguyễn Văn Tài, Xạ thủ), không anh nào chịu bay cả. Anh Sân phải cắt bay lại với các tên khác các anh mới đi bay...


Minh Mẫn 219

No comments: