Wednesday, September 15, 2010

Phi Vụ Cò Trắng và những nấm mồ còn lại

Phi Vụ Cò Trắng và những nấm mồ còn lại



Vào năm 1961 Không Quân Việt Nam có hai chiếc C-47 sử dụng riêng cho những phi vụ đặc biệt thả các toán biệt kích thâm nhập lãnh thổ Bắc Việt, trong đó Trung úy Phan Thanh Vân là một trong những trưởng phi cơ . Phi vụ “Cò Trắng” nói tới ở đây đã được Phan Thanh Vân viết lại trong cuốn hồi ký “Người Về Từ Cõi Chết” .

Sở dĩ các phi vụ này được đặt tên “Cò Trắng” vì hai chiếc C-47 đã được tẩy xóa các huy hiệu, cờ VNCH .Toàn thân máy bay là một màu nhôm trắng .

Gần đây báo Lý Tưởng Úc châu nhận được một số tài liệu cũng như nhiều hình ảnh liên quan đến phi vụ nói trên. Ban biên tập xin đúc kết các tài liệu này với mục đích phổ biến về phi hành đoàn như để tưởng nhớ và tri ân những chiến sĩ Không-Quân VNCH, những chiến sĩ thuộc Lực Lượng Đặc Biệt của QLVNCH đã âm thầm chiến đấu trong bóng tối, đã hi sinh thân mình để thi hành những nhiệm vụ tối mật, ra đi không hẹn ngày về

Lý Tưởng Úc Châu số xuân Đinh Hợi 2007


Phi vụ Cò Trắng thả Biệt Kích Quân xuống lãnh thổ Bắc Việt

Phi vụ Cò Trắng thực hiện giữa năm 1961 gồm phi hành đoàn 7 ngườI của Không quân và 3 biệt kích quân .

Thành phần phi hành đoàn gồm :
-Trưởng phi cơ : Trung úy Phan Thanh Vân
-Hoa tiêu phó : Trung úy Phan Khắc Thích
-Điều hành viên : Thiếu úy Tiêu Huỳnh Yến, Chuẩn úy Phạm Trọng Mậu
-Cơ khí phi hành : Thượng sỉ I Phạm Văn Đăng
-Vô tuyến viên : Trung sĩ Nguyễn Văn Nở
Các biệt kích quân gồm : Thượng sĩ Trần Phúc Lộc, Thượng sị Đinh Như Khoa và Trung sĩ Nguyễn Văn Tiết


Thiếu úy Trần Minh Tâm khi còn là khóa sinh phi công
Hình chụp trước chiếc T-6G tạI trường bay KQ Pháp (ảnh scan từ Lý Tưởng Úc Châu)

Vào đúng ngày Không Quân VNCH (1 tháng 7) năm 1961, chiếc “Cò Trắng” cất cánh với nhiệm vụ tiếp tế cho một toán Biệt Kích quân đã được thả trước đó, và phi cơ đã bị rớt vào lúc 1 giờ 15 phút sáng ngày 2 tháng 7 tạI xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Theo lờI kể lại của ông Phạm Lâm, trùm họ đạo Kim Sơn, khi ông đi giăng câu trên cánh đồng ngập mặn ven biển, cách khu vực dân cư khoảng 5 cây số, thì vào lúc hơn nửa khuya, ông nghe tiếng động cơ máy bay, nhìn lên trời thì thấy một chiếc máy bay đang bốc cháy và lao xuống, sau đó tiếp tục cháy trên mặt đất. Đến gần sáng, tự vệ nông trường Bình Minh mới ra đến chỗ máy bay rớt, bắt giữ 6 ngườI còn sống, tất cả đều bị thương, một người khác tương đối nhẹ sử dụng thuyền cao su bơi trốn nhưng cũng đã bị du kích xã kế bên bắt giữ .

Ba ngườI thiệt mạng tại chỗ là Trung úy Thích, Chuẩn úy Mậu và Trung sĩ Nở. Trong số này hai ngườI chết cháy vì bị kẹt trong phi cơ nên hài cốt không còn đầy đủ, và một ngườI xác còn nguyên vẹn. Tất cả được vùi chôn không hòm gần chỗ máy bay rơi.


Các khóa sinh phi công Việt Nam trong thời gian học ở Pháp
Đứng cuối phía phải là KQ Trần Minh Tâm (ảnh từ LTUC)

Trong số 7 ngườI còn sống và bị bắt. Thiếu úy Tiêu Huỳnh Yến bị thương nặng nên một ngày sau đã chết tại trạm xá của nông trường Bình Minh và đã được ông Phạm Lâm đích thân khiêng đi chôn (cũng không có hòm). Sáu ngườI còn sống được công an đưa về Hà NộI và bị giam tạI Hỏa Lò. Các nhân chứng có nhiệm vụ áp giảI 6 ngườI nàykể lạI rằng khi về đến Hà NộI thì tất cả vẫn sống nhưng đến khi chính quyền Hà NộI đưa ra tòa xét xử thì chỉ còn 3 người là các anh Phan Thanh Vân, Đinh Như Khoa và Phạm Văn Đăng, Anh Trần Minh Tâm mất ngày 4/7/1961. Nguyễn Văn Tiết ngày 2/8 và anh Trần Phúc Lộc ngày 28/11. Tất cả đều chết tạI bệnh viện 108 Hà Nội. Và cả ba đã được Hà NộI chôn cất có mộ bia tử tế !

Sở dĩ ba người này được chôn cất đàng hoàng là vì đây là lần đầu tiên một phi cơ thả biệt kích của miền Nam ra Bắc bị rớt nên CS Hà NộI muốn làm lớn chuyện để công bố cho quốc tế biết. Và cũng chính vì thế CSBV đã “chu đáo” đến độ cho công an đưa hòm về Kim Sơn đào xác Th/u Tiêu Huỳnh Yến bỏ vào hòm rồi chôn lại !

Cũng nên biết trước phi vụ Cò Trắng này đã có nhiều toán Biệt Kích bị CSBV bắt giữ như các toán Caster, Echo, Dido . . . nhưng vì không có chứng vật là xác phi cơ nên không làm lớn chuyện và vì thế danh tính của các Biệt Kích Quân không được tiết lộ, Tất cả bị giam giữ hơn 10 năm, có người mãi đến năm 1976 mới được thả !

Lần này với vật chứng, Hà Nội đã ra sức thổi phồng vụ án, thông báo cho các giới chức ngoại giao, đưa ba người ra xét xử công khai tại Hà Nội và triển lãm các tang vật tại Ninh Bình. Vì được xét xử công khai nên các anh có án tù rõ ràng. Tr/u Phan Thanh Vân 7 năm tù. Th/s Phạm Văn Đăng 3 năm, Th/s Đinh Như Khoa 15 năm. Các anh bị giam tạI trại Bắc Bạc, Ba Vì , Sơn Tây và sau đó chuyển tớI trại Phố Lu (Lào Cai). Tới năn 1971, sau 10 năm tù vẫn còn bị giam. Tr/u Phan Thanh Vân được Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế can thiệp và đã được trả tự do sang Pháp đoàn tụ với gia đình .

Cho đến nay có nhiều giả thuyết về nguyên nhân đã khiến chiếc “Cò Trắng” bị rớt. Cùng với hồi ký của Tr/u Phan Thanh Vân “. . . máy bay tự nhiên rung, giật mạnh, không hề nghe bất kỳ tiếng súng nổ hay bất kỳ một âm thanh nào . . .” cũng như lời của các nhân chứng, dân chúng lẫn công an địa phương, thì máy bay tự nhiên bốc cháy và rớt. Tuy nhiên chính quyền CSBV thổi phồng sự việc nên đã tuyên truyền là phi cơ bị súng phòng không bắn hạ. Hiện nay họ vẫn trưng bảy các hiện vật còn xót lại của chiếc C-47 tại nhà Bảo Tàng Lịch Sử QĐND tạI Hà Nội để khoe “chiến công tưởng tượng” của họ .

Điều đáng tiếc là một vài tác giả Mỹ cũng căn cứ vào tuyên truyền của CSBV để viết rằng chiếc “Cò Trắng” đã bị phòng không BV bắn hạ.

Về nguyên nhân đã khiến phi cơ tự bốc cháy, có giả thuyết cho rằng do nội tuyến phá hoại. Khoảng cuối thập niên 1980, một tay nội tuyến VC đã kể lại trên một tờ báo trong nước rằng vào năm 1961, anh ta là lính bảo trì của Không Quân Miền Nam và đã gài “pan” vào một phi cơ chở biệt kích ra Bắc và phi cơ này đã bị rớt. (“Pan” này được gài trong bộ phận nhiên liệu của động cơ, khi vào không phận Bắc Việt, nhiên liệu rò rỉ ra ngoài cùng với sức nóng của động cơ làm phi cơ bốc cháy).

Nhưng dù sao, trước sự kiện có vô số “chiến công tưởng tượng” được thêu dệt sau khi CSBV chiếm được miền Nam, người ta cũng phải đặt dấu hỏi về “thành tích” của tay thợ máy nội tuyến này.

Về những nấm mồ của phi hành đoàn, trước hết nói về ba người bị thiệt mạng tại chỗ là: tr/u Phan Khắc Thích, Ch/u Phạm Trọng Mậu và Tr/s Nguyễn Văn Nở. Ngày ấy tất cả được chôn vội vã gần chỗ máy bay rơi, không xác nào có hòm.

Tới năm 1980, một người dân khi đào ao đã đào được một hài cốt còn nguyên vẹn, mặc áo màu đen, trên vai áo có phù hiệu. Cha xứ nhà thờ Kim Sơn cho bốc hài cốt đem về nhà thờ dự định đưa vào miền Nam cải táng nhưng bị công an xã giữ lại và cho chôn tại nghĩa địa xã. Người giáo dân trực tiếp bốc mộ bị công an giam giữ hơn ba tháng. Riêng cha xứ sau này vào miền Nam sống tại nhà thờ Phát Diệm ,Sài Gòn.

Phối hợp với lời kể của nhân chứng năm 1961 và sự mô tả của chủ nhà, tức người đào ao sau này , người ta tin rằng hài cốt nói trên là của Tr/s Nguyễn Văn Nở, vì Tr/u P.K. Thích và Ch/u P.T. Mậu bị chết cháy không thể nguyên vẹn nói chi còn quần áo.

Như vậy có thể tạm thời đi đến kết luận hiện nay Cố Trung sĩ Nguyễn Văn Nở đang yên nghỉ tại Kim Sơn, Ninh Bình còn hài cốt củaTr/u Thích và Ch/u Mậu còn nằm đâu đó dưới lòng đất gần ao nói trên.

Mộ của Th/u Tiêu Huỳnh Yến, người đã chết tại trạm xá của nông trường Bình Minh được ông trùm Phạm Lâm chôn và sau đó được nhà cầm quyền Hà Nội đào lên bỏ vào hòm chôn lại, thì hiện nay vẫn được ông chăm sóc.

Hiện hài cốt cùa Thiếu úy Trần Minh Tâm đã được gia đình cảI táng đem vào miền Nam chỉ còn lại mộ của hai biệt kích quân với trên tuổi được ghi trên bia mộ :Thượng sĩ Trần Phúc Lộc và Trung sĩ Nguyễn Văn Tiết .

Mộ của Biệt Kích Quân Trung sĩ Nguyễn Văn Tiết (ành từ LTUC)


Mộ của Biệt Kích Quân Thượng sĩ Trần Phúc Lộc (ành từ LTUC)

Trong số thân nhân của phi hành đoàn “Cò Trắng”, một số may mắn được biết về việc được Bộ Quốc Phòng Mỹ “bồi thường” đã làm thủ tục hưởng quyền lợi . Tuy nhiên đa số đã thất tung, và cho tớI nay (2007) các cá nhân cũng như các hội đoàn Không Quân không có một manh mối nào để có thể liên lạc vớI những người thân nhằm giúp đỡ hướng dẫn làm thủ tục .

Thay lời kết chúng tôi hy vọng, dù rất mong manh,sẽ có chiến hữu hay vị độc giả nào biết được, hoặc mai này có tìm ra tông tích gia đình ,thân nhân của phi hành đoàn “Cò Trắng” và các chiến sĩ Biệt Kích tham gia phi vụ, để thông báo về tình trạng những ngôi mộ của người thân, cũng như những quyền lợi mà họ phảI được hưởng do công lao xương máu mà người thân đã bỏ ra cho đất nước và đã nằm xuống cách nay nửa thế kỷ !

Trong trường hợp sự việc tốt đẹp ấy xảy ra, tòa soạn Lý Tưởng Úc Châu sẽ cung cấp chi tiết để tìm mộ, những chi tiết không tiện phổ biến ngoài người thân của những Tử Sĩ Vị Quốc Vong Thân .

Melbourne, tháng 12/2006
Ban biên tập Lý tưởng Úc Châu
P.O Box 97 Springvale Victoria 3171

Tài liệu viết thêm

Theo hồi ức của Trung tá KQ N.U., trước phi vụ của Cò Trắng của Tr/u Phan Thanh Vân đã có một chiếc C-47 cũng thi hành nhiệm vụ thả Biệt Kích quân và đã mất tích trên không phận Bắc Việt.

Ngoài ra còn có một chiếc C-123 trong khi bay đêm thực tập thả Biệt Kích tạI núi Sơn Trà gần Đà Nẵng đã bị tai nạn toàn bộ phi hành đoàn hy sinh. Trong chuyến bay này ngoài phi hành đoàn VN còn một huấn luyện viên Hoa Kỳ.

Sau tai nạn này Hoa Kỳ đã thuê mướn các phi hành đoàn Trung Hoa (Đài Loan) để thực hiện các chuyến bay thâm nhập lãnh thổ Bắc Việt.


Những chiến sĩ Biệt kích quân Lôi Hổ với những phi vụ nhảy toán thường ra đi không hẹn ngày về

Theo cuốn ” Spies and Commandos” của hai tác giả Kenneth Comboy và Dale Andradé (do sưu tầm viên Phạm Anh Tài cung cấp), ngày ấy chỉ có độc nhất một chiếc C-47 Cò Trắng và mang ngụy danh là “Vietnamese Air Transport” gọI tắt VIAT, lúc đó do Thiếu Tá Nguyễn cao Kỳ chỉ huy và có khoảng 20 phi công tình nguyện thi hành những phi vụ này dưới mật danh “Haylift”.

Mặc dù là các phi công dày dạn kinh nghiệm trong các phi vụ chuyển vận thông thường, nhưng khi bay ra phía Bắchọ cần phảI được hướng dẫn thêm. BởI khi bay ra Bắc, phi hành đoàn sẽ phảI bay những phi vụ kéo dài tưởng như vô tận, bay ở cao độ thấp đến địa điểm thả biệt kích mà không hề được trang bị các phi cụ hiện đại. Đó là chưa kể yếu tố thời tiết xấu vào những mùa mưa lớn, dầm dề miền Bắc trên những địa hình núi non hiểm trở mịt mùng sương mù đã là những phi trình nguy hiểm và tồi tệ nhất trên thế giới .

Vẫn theo hai tác giả này, phi vụ Cò Trắng nói trên có nhiệm vụ thả đồ tiếp tế cho toán Castor đã được thả xuống Bắc Việt một tháng trước đó. Trung úy Phan Thanh Vân cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất lúc xế chiều, sau khi tiếp tế thêm nhiên liệu tại phi trường Đà Nẵng, phi cơ trực chỉ ra Bắc. Không hành thì chỉ nhìn qua cửa sổ bay theo địa hình địa vật dưới đất (không có sóng vô tuyến hướng dẫn từ nơi sẽ tới như các chuyến bay thông thường) chong mắt nhìn xuyên qua các rừng núi chập chùng để nhận tìm bãi thả hàng mà toán Caster đánh dấu, phi trình này trước đây đã được sử dụng để thả các toán Castor và Dido.

Thật sự thì toán Biệt Kích quân này đã rơi vào tay giặc, và người trưởng toán đã bị ép buộc gởi tín hiệu về BUGS, một trạm tiếp vận truyền tin ở Phi Luật Tân để báo tin toán vẫn an toàn và cần được tiếp tế tại một địa điểm do họ chỉ định. Bốn ngày sau khi liên lạc, chiếc Cò Trắng lên đường thi hành nhiệm vụ và đã rơi vào bẫy địch. CSBV đã bố trí súng phòng không tạI đảo Hòn Me cách đất liền 6 cây số ngoài bờ biển Ninh Bình. Kết quả phi cơ bị bắn trúng phần đuôi bốc cháy và rơi trong đất liền khoảng 20 cây số.

Ở đây chúng tôi không bàn cãi về việc vào năm 1961 có một hay hai chiếc C-47 được sử dụng cho các phi vụ “Cò Trắng” (bởi có thể hai tác giả Kenneth Comboy và Dale Andradé chỉ căn cứ trên lập luận lúc nào cũng chỉ có một chiếc “Cò Trắng” duy nhất sẵn sàng để sử dụng), cũng không bình luận về sự việc toán Biệt Kích quân bị CSBV ép buộc hợp tác mà chỉ nói về mâu thuẫn, vô lý liên quan đến việc phi cơ bị rớt.

Tất cả các nhân chứng (dân làng ,các công an du kích xã về hưu) đều kể lại rằng họ không hề nghe bất kỳ tiếng nổ mà chỉ thấy phi cơ tự bốc cháy và đang bay theo hướng từ đất liền ra biển.

Nếu quả thực phi cơ bị “ . . . bắn nát phần đuôi, bốc cháy và rơi xuống đất . . .” như cuốn Spies and Commandos đã viết thì chắc chắn tất cả mọi ngườI trên phi cơ đã phải chết tan xác chứ không chỉ 3 người chết tại nơi phi cơ rớt ! Bên cạnh đó, nếu phi cơ rớt ở đất liền “cách bờ biển khoảng 20 cây số” như sách mô tả thì làm sao một người còn tương đối khỏe sử dụng thuyền cao su bơi trốn và bị bắt lại theo như lời kể của trùm họ đạo Kim Sơn ?!

Thành thử chúng tôi cũng xin phép được lưu ý quý độc giả một điều: Không phải bất cứ cuốn sách nào của “thế giớI tự do” viết về chiến tranh Việt Nam cũng chính xác và đều đáng tin, nhất là những cuốn viết trong những năm sau này, thường tham khảo và trích dẫn tài liệu, sử dụng dữ kiện tùy tiện không suy xét của phía CSVN.

Mà tài liệu, dữ kiện của CSVN chính xác tới mức nào ? chúng ta chỉ cần nhớ lại trong thời gian cao điểm của các cuộc oanh tạc Bắc Việt, tổng số máy bay của “đế quốc” Mỹ bị bắn hạ trong một ngày. được loan truyền trên đài phát thanh nhà nước và các báo cáo của đảng thường nhiều hơn tổng số phi cơ Mỹ tham dự các cuộc không kích ngày hôm đó !

Sự việc lố bịch này sau khi được tạm thời “cởi trói” vào năm 1986, chính một số nhà văn miền Bắc đã đem ra giễu cợt.

Từ tập san Lý Tưởng số 22 Xuân Đinh Hợi 2007
Liên Hội Ái Hữu KQVN Úc Châu

No comments: